Bạn cứ thử một lần dậy sớm dạo xuống cảng cá mà xem sẽ bị mê hoặc đến độ không muốn về mà cứ muốn mua mải miết đủ thứ hải sản. Loại nào cũng tươi rói mời gọi. Nói về hải sản thì vô số loài, mỗi mùa một thức. Hồi xưa ra chợ chỉ biết những loại hải sản thường ăn, thông dụng. Xuống cảng rồi mới thấy biết bao nhiêu là động vật biển lạ kỳ. Con sâu lông biển người đầy lông, to và dài nhưng thân dẹp chứ không tròn lẳn như sâu róm, đụng vào là ngứa cả tháng. Con đĩ biển (còng biển) có mấy móng chân màu đỏ, người xù xì xấu xí như quái vật mà luộc lên ăn gạch lại rất béo. Con ốc bông nhỏ ăn vào thịt lại chua lè, chỉ ốc lớn mới ăn được thôi. Cá rô biển to như cá hồng, vảy nâu đen, đem chiên xù hay nấu canh chua thì hết í. Con cùm cụm người ta thường bẻ càng bán, thật ra cái mình vẫn ăn được nhưng ít thịt. Có nhiều loại động vật biển nhìn rất lạ mà hỏi những ngư dân họ cũng không biết tên, nhưng họ chỉ rằng những con thấy lạ thì không nên ăn vì sẽ bị ngộ độc. Như con cá nóc, trông rất đẹp và nhiều loại khác nhau, có con đụng vào phình bụng to nhưng có con trông giống như cá da bò nhỏ vậy.
Vì thường xuyên mua hải sản nên tôi quen được vài chủ ghe. Cô chủ ghe tôi hay mua tánh tình xởi lởi dễ gần, mỗi lần tôi hỏi là cô lại nhiệt tình giải thích. Cô bảo dân ở đây khôn ăn lắm, cái gì ngon, không ngon họ biết hết. Tôi càng ngẫm càng thấy cái từ “khôn ăn” cô dùng đắc địa quá chừng. Quả thật là ngư dân rất sành ăn, họ biết loại hải sản nào ăn ngon mùa nào, tháng mấy có loại gì, và đặc biệt là họ biết lựa ra hàng ngon và hàng chợ. Hàng ngon là hàng có chất lượng để nhập cho đầu nậu phân phối các nhà hàng, quán ăn. Hàng chợ là hàng đổ xô bán tại chỗ cho mấy người buôn bán ngoài chợ. Hàng chợ cũng năm bảy loại. Hàng từ ghe thúng nhỏ gọi là hàng lưới thì giá cao hơn một chút vì ngư dân đi từ nửa đêm đến sáng vào bờ nên hải sản tươi. Hàng giã cào là từ các ghe, thuyền lớn đi đánh bắt dài ngày thì thường được ướp đá, không tươi bằng hàng lưới mới lên, bù lại giá cả rẻ hơn dễ bán chợ hơn.
Xuống cảng mua hải sản cũng cần có kinh nghiệm, không thì chẳng mua được loại ngon như mình mong muốn. Nhiều khi xuống phải chờ ghe vào, chờ chủ ghe đổ sọt ra lựa. Phải dùng gắp để lựa nếu không sẽ bị cua ghẹ kẹp, cá ngát đâm hoặc bị va vào sâu biển. Sọt hàng vừa đổ xuống, cua ghẹ bò lúc nhúc, mấy con bạch tuột vươn vòi loe ngoe, cá chình uốn lượn… Nhìn thôi đã thấy thích thú. Thích hơn nữa là được tự tay lựa từng con, muốn ăn con nào thì gắp con đó. Cuối tuần người mua đông, phải nhanh tay giành giật mới được những con cá to, tôm to.
Được cái hàng lưới tươi ngon mà giá cũng phải chăng. Nếu biết tính toán thì rẻ hơn nhiều so với ra chợ mua. Chỉ cần mua ít cá nho nhỏ về quết chả, hay ít ghẹ heo (ghẹ nhỏ) hai mươi ngàn một ký về làm sạch, xay, lược nấu bún riêu cũng đủ bữa ăn ngon cho cả gia đình. Cao cấp hơn thì mua ghẹ từ đầu nậu, những con ghẹ còn sống được lựa kỹ, chắc, đầy gạch rất hấp dẫn. Mực thì khỏi phải bàn, còn óng ánh, mắt xanh. Đó là thứ mực câu, thịt ăn rất ngọt. Bạch tuột dĩ nhiên còn sống rồi vì loại này sống dai hơn mực ống, mực lá, đem hấp hay nướng sa tế thì y bài. Dân nhậu sành ăn thường xuống cảng kiếm mồi. Vào mùa tôm tít, những con tôm to ú nụ bụng đầy trứng thì còn mồi gì bén hơn nữa.
Tôi thích cái không khí buổi sáng ở cảng cá. Khi mặt trời vừa mới ló dạng phía xa xa, chiếu những tia nắng đầu tiên của ngày xuống mặt nước. Nước lấp lánh hàng ngàn viên kim cương lóng lánh. Những con thuyền lớn neo đậu phía xa xa cửa sông, ngư dân dùng thúng nhỏ bơi vào bờ, đưa những sọt cá óng ánh cho người trên bờ kéo lên. Tiếng người cười nói, tiếng gọi nhau í ới, tiếng máy xay đá rầm rập để chuẩn bị cho mấy thuyền lớn ra khơi, tiếng rao “ai đồ ăn sáng đi” của mấy người bán hàng rong… Đủ thứ âm thanh hợp lại với nhau tạo nên cái không khí đặc biệt riêng chỉ nơi đây mới có. Cũng là thứ thanh âm ồn ào náo nhiệt nhưng lại khác hẳn thứ ồn ào của phố thị. Cái ồn ào nơi đây khởi đầu cho sự sống, cho những bữa ăn ngon, cho những niềm hy vọng của ngư dân về một chuyến ra khơi đầy ắp hàng về.
Tôi gọi những chuyến đi cảng là những chuyến đi thực tế. Đi để hiểu. Đi để cảm nhận. Đi để thấy mình sống. Và, đi gom góp những câu chuyện về mảnh đất mình đang sống để kể trên những trang viết của mình…