Thương mại dịch vụ phát triển
Trong những năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy và các chính sách, chương trình, dự án đặc thù riêng. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh dần ổn định, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên. Để đạt được kết quả trên, có thể nói hoạt động phát triển thương mại dịch vụ miền núi ở vùng đồng bào dân tộc trong thời gian qua có bước phát triển khá rõ nét. Nổi rõ là việc lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào được thuận lợi hơn trước. Đến thời điểm này, nhiều xã đã có chợ, cửa hàng, đại lý cung cấp các mặt hàng chủ yếu theo chính sách trợ cước, trợ giá, góp phần ổn định thị trường giá cả. Bên cạnh đó, công tác đầu tư phát triển hạ tầng thương mại được quan tâm, phát triển bằng nhiều nguồn vốn chương trình quốc gia như: Chương trình 135, chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… Đến nay, đã có 69/96 xã có chợ phục vụ nhân dân trao đổi, mua bán, lưu thông hàng hóa. Các xã còn lại được xây dựng cửa hàng thương mại miền núi như Phan Điền, Phan Tiến, Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Hàm Cần, Mỹ Thạnh, La Ngâu, Phan Dũng, Phan Sơn và Phan Lâm.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Ngoài các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, Trung tâm Dịch vụ miền núi thực hiện bình ổn giá tại 11 cửa hàng miền núi, các đại lý. Đồng thời tổ chức bán hàng lưu động giúp người dân tiếp cận được các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm có chất lượng với giá bằng hoặc thấp hơn giá ở khu vực thành thị. Song song, việc triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ cao su, thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp nhân dân tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc phát triển trồng cây cao su, cây thanh long. Từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Còn đó khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách, dự án cũng gặp khó khăn. Đơn cử là dự án mô hình thí điểm cao su, sau thời gian dài (từ năm 2014 đến đầu năm 2016) giá cao su giảm sâu, lượng sản phẩm ký kết thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và hộ kinh doanh theo đó giảm mạnh. Tuy nhiên Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận vẫn triển khai ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân và hộ kinh doanh. Theo đó, thực hiện phương án thu mua theo hướng ưu đãi đối với khách hàng có giao dịch ổn định, lâu dài, cung cấp nhiều sản phẩm… Đến nay giá cao su đã tăng trở lại, số lượng khách hàng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp luôn ổn định và tăng thêm. Riêng dự án mô hình thí điểm thanh long, việc khuyến khích và đẩy mạnh mua bán thông qua hợp đồng gặp khó khăn. Đến nay, người sản xuất chưa nhận thức cách làm mới để tạo sự ổn định, bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích các chủ thể tham gia mô hình thí điểm thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm được hưởng các ưu đãi về tín dụng, đất đai, đầu tư, chính sách hỗ trợ rủi ro. Đồng thời, hỗ trợ về kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu.
Kim Anh