Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là yêu cầu đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 tạo điều kiện để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, Bộ Y tế ban hành 4 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo các viện trong hệ y tế, phân bổ và cung cấp đủ vắc xin cho các bộ, ngành và địa phương. Tăng cường công tác tiếp nhận và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, trong đó chỉ đạo các địa phương tăng cường tiếp nhận vắc xin, đẩy mạnh tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tăng cường vận động người dân tham gia tiêm chủng. Tính đến ngày 3/7/2022, toàn quốc đã tiêm được hơn 233 triệu liều vắc xin phòng, chống Covid-19, đạt 97,3%. Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất thế giới. Tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO, tỷ lệ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới, tỷ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia như Ý, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan… Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid – 19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin Covid – 19 tại Trung ương và địa phương dẫn tới nguy cơ hết hạn sử dụng phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Đối với tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này được khống chế, kiểm soát được. Số ca mắc và tử vong giảm sâu theo từng ngày. Dự báo trong thời gian tới, biến thể phụ BA.5 của Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2, do đó các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng. Tốc độ gia tăng ca mắc Covid – 19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nhưng bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm, khả năng bảo vệ miễm dịch giảm theo thời gian và đặc biệt là độ bao phủ vắc xin. Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Mặc dù tình hình dịch bệnh được khống chế, kiểm soát trên địa bàn tỉnh nhưng tỉnh đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid - 19 năm 2022 và 2023. Các phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững ngành. Để tiếp tục phát huy, tăng cường năng lực phòng, chống dịch Covid-19 đòi hỏi các ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo công tác tiêm vắc xin trên địa bàn. Không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí và hoàn thành sớm nhất có thể việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoàn thành tiêm đủ mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022. Tập trung hoàn thành sớm việc tiêm cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp.