Trên lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) qua 2 tháng đầu năm ước đạt 5.738,93 tỷ đồng, tăng gần 5% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 20% và công nghiệp khai khoáng tăng 10,77%. Cùng thời gian, địa phương cũng ghi nhận một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so cùng kỳ như thức ăn gia súc đạt 81.660 tấn, tăng hơn 52% do nhu cầu cung cấp thức ăn cho đàn gia súc tăng. Trong khi sản phẩm mực đông lạnh đạt 1.408 tấn (tăng 75,68%), thịt cá đông lạnh đạt 1.500 tấn (tăng 11,88%), nước khoáng có ga đạt 2,5 triệu lít (tăng hơn 20%), áo sơ mi đạt 3,15 triệu cái (tăng 2,3 lần) và Jacket đạt 1,37 triệu cái (tăng 7,3 lần)...
Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần thì hầu hết doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định trở lại. Dù có thời gian nghỉ tết dài ngày, nhưng doanh thu trong tháng 2/2022 vẫn đạt 420 tỷ đồng, tính chung 2 tháng đầu năm nay ước thực hiện 970 tỷ đồng (tăng 20% so cùng kỳ)... Trong thời gian này, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận đã thông báo đến doanh nghiệp liên quan về việc tiếp tục triển khai kết nối giao thương thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Việt Nam. Kịp thời thông tin tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, có công văn gửi doanh nghiệp trong các khu công nghiệp về khảo sát nhu cầu đào tạo và tuyển dụng lao động năm 2022, 2023. Mặt khác còn chủ động tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu theo thông báo của Sở Công Thương...
Với hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng cho thấy kết quả nổi bật, đặc biệt xuất khẩu trực tiếp trong 2 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 114 triệu USD, tăng gần 48% so cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa của Bình Thuận xuất sang thị trường châu Á ước đạt 75,13 triệu USD (tăng hơn 50%), cụ thể tăng ở thị trường Nhật Bản với mặt hàng tôm thẻ, cá tươi, hàng dệt may, còn thị trường Hàn Quốc tăng về mặt hàng cá tươi, cá khô và thị trường Đài Loan tăng về sản phẩm quần áo, mực tươi… Qua 2 tháng đầu năm 2022, hàng hóa địa phương xuất sang thị trường châu Mỹ tiếp tục tăng 43,45% với kim ngạch 24,88 triệu USD (tăng về sản phẩm giày dép, đế giày, tôm thẻ) và xuất sang thị trường châu Âu tăng 31% với ngạch ngạch 12,12 triệu USD (chủ yếu tăng ở thị trường Anh, Thụy Điển)… Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa vào Bình Thuận ước đạt hơn 240 triệu USD, tăng gần 34% so cùng kỳ năm 2021 với một số mặt hàng: thủy sản, nguyên liệu dệt may - da giày và nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.
Tín hiệu lạc quan ngay những tháng đầu năm sẽ tạo động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp chung sức thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19. Đồng thời tiếp tục vượt khó, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, để từ đó góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2022…