Nhưng tại thời điểm này (tháng 3/2022), các vùng trồng thanh long dường như “án binh bất động”, nông dân chẳng màng quan tâm chăm sóc, để mặc cho trái treo lủng lẳng trong vườn, héo dần, rơi rụng. Lẽ nào trái thanh long nhanh “xuống cấp” đến tốc độ không thể chậm hơn so với các loại trái cây khác? Từ 1.000 đồng/kg hồi đầu năm nay, sau đó khi tình hình cửa khẩu được thông quan, giá thanh long có nhích lên một chút, khiến nông dân mừng thầm. Song thị trường tiêu thụ thanh long bất ngờ quay đầu khiến nhiều hộ dân trồng cây “rồng xanh” này méo mặt.
Anh Hà Hùng – hộ dân trồng thanh long ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Phải mất nhiều lần năn nỉ, ỉ ôi các vựa thu mua họ mới vào, xem xong vườn thanh long, họ trả 2.500 đồng/3kg. Họ nể lắm mới vào mua vì có người quen biết với chủ vựa, còn không thì cứ …chờ! Tiếc đứt ruột nhưng biết làm sao! bán được đồng nào hay đồng ấy, để gỡ tiền phân, tiền điện, công chăm sóc… Các hộ trồng thanh long lân cận vườn anh Hùng cũng đồng ý bán với giá trên thì chủ vựa không mua nữa với lý do hàng còn nhiều quá, cửa khẩu thông quan chậm, mua về để lâu trái nhanh hư. Nghe câu trả lời của thương lái, nhiều nông dân muốn rớt nước mắt. Đến nước này thì còn biết trông cậy vào ai nữa?
Ông Nguyễn Tám - ngụ xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, ngồi uống cà phê bên tôi mà mặt mày ủ rũ, nhìn thật đáng thương. “ Chú xem có cách nào, quen với các nậu vựa nhờ họ mua giúp, chứ kiểu này nông dân lấy gì mà sống”? Nghe chuyện của ông tôi lại liên tưởng vài năm trước việc người nông dân nhiều nơi trong cả nước trồng dưa hấu, nhãn, mít, cam, na (mãng cầu ta) lao đao vì không tìm được đầu ra, phải bán tháo, bán đổ. Nghe ông nhờ mà tôi chẳng thể nào giúp được, trong lòng cảm giác buồn đến khó tả, chỉ biết thông cảm, chia sẻ thật lòng với ông Tám cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Quả thật trái thanh long của Bình Thuận hiện phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, thông qua tiểu ngạch là chính. Theo Sở Công thương, thanh long được tiêu thụ bằng 2 hình thức: nội địa và xuất khẩu. 15% tiêu thụ nội địa và 85% xuất khẩu, trong xuất khẩu chỉ có từ 2 -3% là chính ngạch, còn lại được xuất bán qua hình thức biên mậu. Thông tin này, có thể người nông dân không nắm được, nhưng với cánh thương lái, chủ vựa họ “thuộc lòng”. Vì vậy hơn ai hết người nông dân hết sức lưu ý, thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ của thị trường trái thanh long, để có kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh tình trạng ứ đọng.
Hiện nay tình hình thông quan tại cửa khẩu phía Bắc rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Nhằm hạn chế tình trạng hàng hóa xuất khẩu ùn tắc ở các cửa khẩu, bến bãi, tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo tạm dừng các xe chở hàng hóa là hoa quả tươi lên cửa khẩu của tỉnh để xuất sang Trung Quốc. Đối với các tỉnh có cửa khẩu như Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, tình hình thông quan cũng chưa có tín hiệu tốt, chưa kể một số đã đóng cửa khẩu, chưa biết khi nào mở lại. Qua nắm bắt thông tin từ Sở Công thương các tỉnh phía Bắc hiện còn 75 xe container thanh long của Bình Thuận chưa thể thông quan vào thị trường Trung Quốc.
Hy vọng đến cuối tháng 3, tình hình trên sẽ được cải thiện, người trồng thanh long mới có thể thở phào nhưng chưa chắc nhẹ nhõm!