Theo dõi trên

Hướng đến kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022): Dòng điện vươn xa, lợi thế vươn cao…

08/03/2022, 05:37

Ngày ấy, Bình Thuận được biết đến là một tỉnh nghèo ven biển gắn với danh tiếng “nước mắm Phan Thiết” cùng thời tiết hanh khô, nắng gió khắc nghiệt. Khi đó, nguồn điện - một trong những yếu tố quan trọng cần “đi trước một bước” để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh lẫn sinh hoạt của người dân.

Vậy mà giờ đây, địa phương đã xác định và từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn, hướng đến đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia.

dien.jpg
Tiềm năng và lợi thế phát triển năng lượng từng bước được Bình Thuận khai thác đem lại hiệu quả (ảnh minh họa).

Dòng điện vươn xa…

“Có điện” - tiếng reo vui quen thuộc từ người già cho đến trẻ nhỏ vang lên mỗi khi ánh đèn điện nhà bật sáng. Đó là thời điểm năm 1992, khi ấy tại Bình Thuận mới có 44/111 xã, phường, thị trấn sử dụng nguồn điện với 35% tổng số hộ dân toàn tỉnh có điện (mức điện năng tiêu thụ đầu người mới đạt 28,47 kWh/người). Thực trạng này xuất phát từ cơ sở hạ tầng lưới điện thiếu, yếu, chắp vá mà toàn tỉnh chỉ có đường dây 66/15 kV Tháp Chàm - Phan Thiết cấp điện cho thị xã Phan Thiết và 2 cụm phát điện diesel cấp điện cho 2 thị trấn La Gi, Phan Rí Cửa, còn ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo hoàn toàn không có điện. Thời điểm đó, tổng chiều dài đường dây trung - hạ thế trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 km, hầu hết đã cũ hoặc xuống cấp vì không thường xuyên được bảo dưỡng thay thế và sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt gần 25 triệu kWh/năm. Thế nên mong muốn “ánh sáng văn minh” đến với mọi nhà từ đô thị tới vùng quê, từ miền núi đến đảo xa là nỗi trăn trở của địa phương.

10 năm sau ngày tái thành lập tỉnh Bình Thuận - năm 2002, với nỗ lực quyết tâm vượt khó của địa phương và ngành điện thì các công trình, hệ thống lưới điện được đẩy mạnh đầu tư. Dòng điện nhờ đó cũng ngày càng vươn xa, lúc này trên địa bàn toàn tỉnh đã có 111/112 xã, phường, thị trấn có điện với xấp xỉ 3/4 tổng số hộ dân được sử dụng nguồn điện (mức điện năng tiêu thụ đầu người tăng đáng kể lên 229,8 kWh/người), trong đó số hộ nông thôn có điện khoảng 67%. Tiếp tục tiến những bước dài trong phát triển lưới điện, đến nay tất cả 124/124 xã, phường, thị trấn của Bình Thuận đã có điện với 99,77% tổng số hộ dân sử dụng nguồn điện (điện năng tiêu thụ đầu người là hơn 1.815 kWh/người), riêng số hộ nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,69%. Đối với địa bàn Phú Quý hiện cũng đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục 24/24 giờ, tạo điều kiện cho huyện đảo tập trung khai thác hiệu quả các lợi thế về kinh tế biển... Song song đó, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm, tích cực xúc tiến làm việc cũng như đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào Quy hoạch điện quốc gia. Từ đó giúp Bình Thuận phát huy được lợi thế trong phát triển điện lực, tạo động lực cho chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm đưa nhà máy đi vào vận hành phát điện…

Ông Nguyễn Thành Ngôn - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết đến thời điểm hiện tại, lưới điện do đơn vị quản lý có tổng chiều dài 10.755 km, trong đó đường dây cao thế 677 km, trung thế 6.655 km và hạ thế 3.423 km. Ngoài ra ngành điện còn đầu tư 27.441 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 2.801.135 kVA, 12 trạm biến áp 110/15 kV có tổng dung lượng 1.197.000 kVA. Cùng với đó, chất lượng điện cũng được cải thiện và đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại… Đặc biệt đã xây dựng, vận hành hệ thống nguồn điện diesel, gió, mặt trời tại Phú Quý với tổng công suất 16,5 MW đang được đánh giá là mô hình lưới điện thông minh tốt nhất trong các hải đảo Việt Nam.

dien-1.jpg.jpg

Lợi thế vươn cao

Với vị trí địa lý duyên hải cực Nam Trung bộ và khí hậu nắng gió quanh năm nên từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Bình Thuận đã được nhà đầu tư khắp nơi chú ý lợi thế phát triển năng lượng. Cụ thể là vùng đất này sở hữu chiều dài bờ biển 192 km cùng số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định (trung bình hơn 2.000 giờ nắng/năm) và ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thời tiết thiên nhiên. Vì thế ngoài thủy điện, Bình Thuận nhanh chóng trở thành “địa chỉ” thu hút dự án đầu tư quy mô lớn để khai thác đa dạng nguồn điện. Từ đó sớm hình thành Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đóng góp tổng công suất đáng kể cho ngành điện, bao gồm: Vĩnh Tân 1 (1.240 MW), Vĩnh Tân 2 (1.244 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW).  

Nắng gió “trời ban” cũng tạo cơ hội thuận lợi cho Bình Thuận đón hàng loạt dự án đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, đưa ngành điện địa phương tiếp tục vươn cao bằng việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Thống kê đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang vận hành phát điện: 7 nhà máy thủy điện, 4 nhà máy nhiệt điện than, 10 nhà máy điện gió, 26 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện diesel. Được biết, các nhà máy sản xuất điện hoạt động trên địa bàn Bình Thuận có tổng công suất 6.520 MW, với sản lượng điện thiết kế vào khoảng 31,6 tỷ kWh/năm. Đó còn chưa kể một số dự án khác như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 có công suất 1.980 MW thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân chuẩn bị thi công, Trung tâm Điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ với tổng công suất 2 nhà máy là 4.500 MW đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công sau năm 2022. Hay như có nhà đầu tư đang xin chủ trương bổ sung quy hoạch, đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG Kê Gà với công suất 3.600 MW… Có thể nói ngành công nghiệp điện, năng lượng địa phương không những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và an ninh năng lượng quốc gia.

Ngoài thu hút đầu tư những dự án điện gió ven bờ, gần đây Bình Thuận cũng được các nhà đầu tư chiến lược “để mắt” tới tiềm năng điện gió ngoài khơi. Theo Sở Công Thương, hiện có 8 nhà đầu tư đăng ký, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi thuộc địa bàn tỉnh với tổng công suất lên đến 22.200 MW. Liên quan lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu, khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW. Hiện nhà đầu tư cũng hoàn thành lập Quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định…

Định hướng trong tương lai gần, Bình Thuận sẽ tập trung phát triển công nghiệp năng lượng trở thành trung tâm phát điện của cả nước với tổng công suất khoảng 22,6 GW. Theo tính toán khả năng phát triển năng lượng, địa phương dự kiến đạt sản lượng điện khoảng 68 tỷ kWh vào năm 2025, đến năm 2030 tăng lên 106 tỷ kWh và đạt mức 164 tỷ kWh vào năm 2045… Cùng với phương châm thực hiện “điện đi trước một bước”, tin rằng ngành điện tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh hơn, hiệu quả hơn, bền vững và toàn diện hơn.

Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW (ban hành năm 2013) xác định Bình Thuận là Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia. Đối với địa phương cũng đề ra nhiệm vụ khai thác tiềm năng năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng để Bình Thuận sớm trở thành Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nuôi lươn không bùn: Mô hình kinh tế hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hàm Thuận Nam nói riêng, đều có phần diện tích các ao hồ có thể phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, tận dụng nguồn thức ăn thừa trong nước thải nuôi lươn, kết hợp nuôi cá trê là hướng đi bền vững và an toàn. Mô hình đang được triển khai tại hộ ông Đặng Minh Hiệp, thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022): Dòng điện vươn xa, lợi thế vươn cao…