Theo dõi trên

Bình Thuận tự hào đi lên

30/08/2022, 05:52

“Như nàng công chúa xinh đẹp mà khiêm nhường. Bình Thuận hôm nay vươn mình kiêu hãnh…”. Bình Thuận của hôm nay đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân được ấm no... Để thấy được rằng, có những điều bình thường của hôm nay lại là chuyện không thể tưởng tượng được của 30 năm về trước. 30 năm - ngày tái lập tỉnh Bình Thuận, chặng đường mang đậm dấu ấn lịch sử với những thăng trầm song rất đỗi tự hào.

Có lẽ bất cứ ai đã từng trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể lại những giai đoạn đầu mới tái lập tỉnh, sẽ cảm nhận rõ hơn những giá trị, những thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt được ngày hôm nay.

phan-thiet-5.jpg
Một góc TP. Phan Thiết hôm nay. Ảnh: Đình Hòa

Năm 1992, vùng đất cực Nam Trung bộ chính thức trở lại với tên gọi Bình Thuận sau 16 năm dưới mái nhà chung Thuận Hải theo Nghị quyết Quốc hội khóa VIII. Ngày mới tái lập, Bình Thuận phải đối mặt với bộn bề gian khó. Giai đoạn này thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 1,35 triệu đồng; thu ngân sách chỉ khoảng 90 tỷ đồng; đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn khi mà tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 26%. Hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và yếu… Đất đai cằn cỗi, hoang hóa vì thiếu nước, sản xuất nông nghiệp vì thế trở nên manh mún, nhiều vụ mùa mất trắng…

Ấy vậy mà theo dòng chảy của thời gian, bằng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực và khát vọng, Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Bình Thuận đã cùng nhau góp sức chuyển hóa sức mạnh nội sinh của vùng đất hoang hóa ngày nào thành giá trị hiện hữu của hôm nay. 30 năm sau ngày tái lập, Bình Thuận không chỉ vượt qua được những khó khăn của giai đoạn đầu mà đã vững vàng tiến bước trên những chặng đường phát triển.

Những thành tựu to lớn và ý nghĩa trong 30 năm qua bao gồm cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… “Trái ngọt” hội tụ lại đã làm thay đổi căn bản bộ mặt của tỉnh nhà.

Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh bình quân hàng năm tăng 9,07%, riêng năm 2021 đạt hơn 86,720 tỷ đồng, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành trong cả nước. Quy mô giá trị GRDP tăng từ 3.914 tỷ đồng năm 1992 lên 94.858 tỷ đồng năm 2022, gấp hơn 24 lần. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng lên 56,28 triệu đồng, gấp 41 lần. Tỷ lệ hộ nghèo từ 26% đến nay giảm chỉ còn 3,16%... Đó là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của riêng ai mà là của cả Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

thuy-loi-1.jpg.jpg
Hồ thủy lợi Sông Lòng Sông, Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

Có được kết quả trên, ngoài việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng đắn, tranh thủ mọi lợi thế, nguồn lực bên trong cũng như ngoài tỉnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như, để nông nghiệp phát triển bền vững, thì hành trình “lo” nước cho dân đã được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ quan tâm. Đã có hàng loạt các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng trong 3 thập kỷ qua. Những tên gọi hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, Lòng Sông, Sông Móng, Sông Dinh 3, dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết... đã viết nên những câu chuyện kỳ diệu ở vùng đất “khát” khi mà nhờ có nước những vùng đất này như được hồi sinh. Hiện nay, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng dung tích 324 triệu m3. Sản lượng lương thực từ 180.242 tấn tăng lên 846.626 tấn, gấp 4,7 lần. Năng suất lúa từ 29,9 tạ/ha từ năm 1992 tăng lên 58,9 tạ/ha lên năm 2022. Thanh long cây trồng chủ lực phát triển vượt trội và khẳng định vững chắc thương hiệu. Sản lượng đạt 699.500 tấn, gấp 99,9 lần.

Song hành cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, định hướng của tỉnh, mỗi người dân Bình Thuận đã không ngừng nỗ lực khi cảm nhận được trong mỗi sự đổi thay của tỉnh nhà đã có những giọt mồ hôi và sự nghĩ suy của chính mình trong đó. Qua từng năm, từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà kết quả đó bắt nguồn từ những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận.

Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, trong tâm thức của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Bình Thuận đều suy nghĩ và hành động đó là tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, giải quyết những khó khăn, đồng thời gặp nhau cao nhất ở nơi “lòng  dân – ý Đảng” để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững trong chặng đường mới. Quyết tâm đó càng thể hiện cao hơn, khi mà mới đây Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; Nghị quyết về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những Nghị quyết trên không chỉ kế thừa mà còn phát triển sâu sắc hơn các nghị quyết ở giai đoạn trước.

Có thể nói, trên mỗi bước đường phát triển luôn đan xen những thời cơ và nguy cơ. Bên cạnh những hạn chế, những nút thắt chưa được tháo gỡ thì Bình Thuận vẫn phải tiếp tục đối diện với những thách thức mới. Hơn lúc nào hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu được chắt chiu qua 300 năm hình thành, phát triển và vận dụng những bài học kinh nghiệm trong hành trình 30 năm qua. Đó chính là ý chí tự lực, tự cường, sự chung sức, chung lòng, nỗ lực vượt qua những gian khó, thử thách, đồng thời nuôi dưỡng quyết tâm, khát vọng vươn lên, góp sức vào hành trình xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp.

Những khát vọng về một vùng đất kiên trung, về một Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững đang thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đó chính là cội nguồn sức mạnh để đưa Bình Thuận vươn tới những tầm cao mới. 30 năm đổi mới và phát triển, vượt qua rất nhiều gian khó và thách thức, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận tự hào về những gì đã qua và vững vàng, tự tin bước vào trang sử mới.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
30 năm Đảng soi đường
30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, một hành trình phát triển với nhiều thử thách nhưng khi “ý Đảng hợp lòng dân” đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng. Thành tựu phát triển của tỉnh hôm nay đã khẳng định sự quyết tâm, tinh thần sáng tạo, vượt khó của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận tự hào đi lên