Đi lên từ gian khó
Từ một Ban Pháp chế với chỉ 4 cán bộ vào đầu thập niên 1980, rồi trở thành Sở Tư pháp Thuận Hải. Năm 1992, sau ngày chia tách tỉnh đổi thành Sở Tư pháp Bình Thuận, đến nay có 350 cán bộ, công viên chức. Hầu hết được đào tạo căn bản về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ được giao trên mọi lĩnh vực công tác. Điển hình, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã trực tiếp thẩm định hàng trăm dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; tham gia ý kiến và tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng nhiều dự án luật, pháp lệnh theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội; dự thảo văn bản QPPL của các bộ, ngành Trung ương và nhiều dự thảo văn bản chính sách của HĐND, UBND tỉnh, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn.
Đặc biệt, cải cách hành chính với tỷ lệ điểm đạt trên 90% so với điểm chuẩn tối đa. Sở đã chủ động phối hợp tốt với Trung tâm Hành chính công để giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan. Với tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn hàng năm đều đạt trên 99%; tổ chức 534 cuộc đấu giá thành đối với các tài sản có nguồn gốc tiền nộp vào ngân sách nhà nước với giá khởi điểm là 340 tỷ đồng, giá đấu giá thành là 401 tỷ đồng. Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Ngọc Được, người có 10 năm gắn bó với ngành tư pháp cảm nhận rất rõ về bước đường phát triển của ngành. “Từ mới ngày đầu thành lập có 4 cán bộ, rồi 10 người với cơ sở vật chất, điều kiện nhiều khó khăn. Nhưng bằng nỗ lực phấn đấu của cán bộ công chức tư pháp qua nhiều thế hệ đã xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp vững mạnh”, ông Được chia sẻ.
Tiếp tục phát huy
40 năm, thời gian đủ để cảm nhận những thành quả gặt hái được và chưa được của một ngành. Với ngành tư pháp tỉnh đã có sự phát triển mạnh về quy mô lẫn chất lượng, cả bề rộng và chiều sâu. Đó cũng là sự nỗ lực lớn của những tiền bối đi trước, bởi “có bột mới gột nên hồ”. “Chúng ta có quyền tự hào về trang sử đẹp mà các thế hệ đi trước dày công tạo dựng. Là những người kế thừa chúng ta trân trọng và phải có trách nhiệm giữ gìn và tô thắm thêm trang sử ấy ngày càng tươi sáng hơn”, bà Phạm Thị Minh Hiếu – Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ. Bà cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và chính quyền, nhân dân giao phó.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng ghi nhận những đóng góp của ngành tư pháp. Đồng thời ông mong muốn trong thời gian tới, ngành tư pháp tăng cường kiểm tra và rà soát các văn bản QPPL, kịp thời tham mưu, đề xuất HĐND, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản QPPL không còn phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp nhất là công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, luật sư, giám định tư pháp; thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý có hiệu quả hoạt động bán đấu giá tài sản...