Theo dõi trên

Nuôi lươn không bùn: Mô hình kinh tế hiệu quả

07/03/2022, 06:12

Trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hàm Thuận Nam nói riêng, đều có phần diện tích các ao hồ có thể phát triển nuôi thủy sản nước ngọt. Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, tận dụng nguồn thức ăn thừa trong nước thải nuôi lươn, kết hợp nuôi cá trê là hướng đi bền vững và an toàn. Mô hình đang được triển khai tại hộ ông Đặng Minh Hiệp, thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam.

z3235109827647_c1cc30298ca2a81aa4591a08c8b7cd92.jpg
Mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ ông Hiệp.

Mô hình chuyển đổi mới

Ngày đầu tháng 3/2022, chúng tôi có dịp ghé thăm mô hình nuôi lươn không bùn quy mô khép kín của gia đình ông Đặng Minh Hiệp, cách Phan Thiết chừng hơn 3 km. Nắng chiều gay gắt, giữa bốn bề là diện tích thanh long đang đỏ cành, nhưng không gian mát rượi của khu vực nuôi lươn với gần 1.000 m2 khiến chúng tôi không khỏi tò mò, thích thú. Theo lời giới thiệu của ông Hiệp, toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được xây dựng bằng bê tông kiên cố, hơn 20 ô nuôi với kích thước từ 3-6 m2/ô được đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Lươn được nuôi với mật độ khoảng 1.500- 2.000 con/ô, đủ các kích cỡ từ nhỏ đến lớn theo hình thức thu hoạch cuốn chiếu.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hiệp cho biết, bản thân bén duyên với nghề nuôi lươn không bùn gần 2 năm nay. Đó là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vào tháng 6/2021, gia đình được Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam chọn làm mô hình trình diễn, hỗ trợ 50% chi phí mua con giống và 50% chi phí thức ăn, vật tư thiết yếu (hơn 8 triệu đồng), phần còn lại do người dân tham gia mô hình tự đầu tư. Về quy mô, mức đầu tư triển khai cho 20 m2 nuôi lươn và 100 m2 theo yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến cuối năm 2021.

Có khả năng nhân rộng

Ông Trương Hoàng Văn Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam đánh giá: lươn nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, trong 6 tháng nuôi lươn đạt tỷ lệ sống 80%, trọng lượng trung bình 200 gr/con. Cá trê có tỷ lệ sống trên 90%, trọng lượng 500 gr/con, năng suất trung bình đạt 15 kg/m2/vụ. Năng suất này có thể tăng lên gấp đôi nếu nuôi mật độ cao. Hiện nay thức ăn nuôi lươn rất thuận lợi, không sử dụng thức ăn cá tạp mà hoàn toàn có thể thay thế sử dụng 100% thức ăn cám viên dùng cho tôm thẻ chân trắng, tôm sú hoặc cá biển. Với quy mô mô hình triển khai 1.200 con lươn giống nuôi theo mô hình nuôi lươn không bùn chưa đến 20 triệu đồng. Sau 5 – 7 tháng nuôi, lươn có thể đạt quy cách khoảng 200 gr/con, tỷ lệ sống đạt 80% thì với giá bán 160.000 đồng/kg, người nuôi lãi hơn 13 triệu đồng. Ngoài ra, lượng thức ăn thừa và chất của lươn thải ra tiến hành nuôi cá trê trong ao, tưới cây cũng mang lại một nguồn lợi nhuận hơn 5 triệu đồng.

Còn theo chia sẻ của ông Hiệp, so với các đối tượng nuôi khác thì lươn dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh và thích nghi tốt với môi trường, nguồn nước. Mặt khác, so với các loài thủy sản nước ngọt khác thì lươn có giá trị thương phẩm mang lại cao hơn, thị trường tiêu thụ tốt hơn. Theo đó, hiện nay nhu cầu thị trường ở các chợ tại TP. Phan Thiết cần khoảng 80 kg/ngày, nhưng không đủ đáp ứng. Do đó, ông Hiệp đang hướng đến việc mở rộng quy mô, diện tích, sản xuất theo quy trình khép kín từ lươn giống đến lươn thịt. Đồng thời, có thể thu mua lươn của bà con tại địa phương.

Ông Võ Ngọc Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ cũng cho rằng, mô hình lươn khá mới mẻ, có khả năng nhân rộng và phát triển mạnh vùng nuôi thủy sản nước ngọt huyện Hàm Thuận Nam, nhất là xã Hàm Mỹ, mở ra cách chuyển đổi mô hình kinh tế hiệu quả.

K.HẰNG


(2) Bình luận
Bài liên quan
Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình: Đầu tư, phát triển vì cộng đồng
Con đường đất đỏ au dài gần 8 km uốn lượn trong khu rừng già Saloun, có lúc băng qua suối sâu, rồi trườn lên dốc cao. Hai bên đường những cây bằng lăng cổ thụ nở hoa thơm ngát.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi lươn không bùn: Mô hình kinh tế hiệu quả