Trung bình mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mỗi năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Hiện nay, nước ta có sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, nhưng về giá trị thì rất khiêm tốn, vì gạo của nước ta đang ở phân khúc trung bình thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao và bền vững thì việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn gắn với tiêu thụ là một hướng đi đúng đắn nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo của nước ta đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao và từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo. Đối với tỉnh Bình Thuận với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, vai trò đảm bảo an ninh lương thực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó quy hoạch đất lúa của tỉnh được giữ vững gắn với việc đầu tư và phát huy hiệu quả về thủy lợi góp phần mở rộng diện tích sản xuất, các biện pháp thời vụ được chỉ đạo kịp thời, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức phòng chống dịch bệnh hiệu quả nên sản lượng lương thực tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Đặc biệt là tỉnh đang hướng tới việc sản xuất gạo chất lượng cao có giá trị kinh tế lớn.
Để thực hiện mục tiêu trên, năm 2022 Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học tại huyện Tánh Linh. Việc sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học được áp dụng với mật độ gieo sạ hợp lý, chỉ sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ và giảm lượng phân bón hóa học nên ít độc hại, thân thiện với môi trường, gạo thu được đảm bảo an toàn và chất lượng phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học đã mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của nông dân, góp phần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng. Huyện Tánh Linh được tỉnh xác định là một trong những vùng lúa trọng điểm của tỉnh vì huyện có hơn 11.000 ha canh tác lúa, nằm trong lưu vực sông La Ngà. Để nâng cao chất lượng lúa gạo, đồng thời tạo động lực giúp nông dân có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Tánh Linh đã triển khai chương trình sản xuất lúa chất lượng cao thông qua liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp). Đến nay, chương trình đã mang lại hiệu quả trong việc giúp nông dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập đồng thời góp phần nâng chất lượng lúa gạo Tánh Linh. Huyện Tánh Linh còn thực hiện quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất lúa giống tập trung theo hướng xã hội hóa. Thực hiện Quyết định 62/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, huyện Tánh Linh còn triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên nền tảng 3.000 ha lúa chất lượng cao hiện có.
Để phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn bền vững, đưa lúa gạo hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế trong nước và quốc tế tỉnh Bình Thuận cùng với cả nước tổ chức lại sản xuất, hình thành cánh đồng lớn, liên kết với hộ nông dân. Tổ chức mô hình hợp tác sản xuất mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thị trường mới. Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời, đúng quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm. Triển khai quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ lương thực, thực phẩm…