Theo dõi trên

Sáu năm đi cùng trang báo

14/07/2023, 05:50

Tôi tham gia viết cho báo Bình Thuận từ rất sớm, nhưng khi viết cho chuyên mục Góc nhìn giáo dục trên Bình Thuận cuối tuần bắt đầu từ tháng 2 năm 2017, đến nay (7/2023) vừa tròn 6 năm 5 tháng, với 244 bài.

Người viết lúc đầu xây dựng kế hoạch mỗi tuần 1 bài, nhằm đóng góp cách nhìn, cách nghĩ của bản thân về giáo dục, từ kiến thức chuyên môn đến phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục của nhà trường, của cha mẹ với trẻ từ không tuổi đến hết tuổi phổ thông. Lấy tư liệu để viết phải đọc sách, hoặc trao đổi lắng nghe, cùng với trải nghiệm một đời (38 năm) làm công tác giáo dục. Thời gian đầu tâm lý thoải mái, viết rất đều. Niềm vui của người viết là ban biên tập và thiết kế tờ báo đã dành cho 1 trang viết khá trang trọng. Động cơ khích lệ viết là lượng người đọc về Góc nhìn giáo dục khá đông, khi bài chuyển lên kênh online có lúc lên đến trên 3.000 lượt xem, cũng như những comment tán thưởng, đồng tình, chia sẻ khi chuyển bài viết sau khi đăng báo lên facebook.

image001_jkdl.jpg

Trong quá trình viết, tôi lắng nghe dư luận bạn đọc từ học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo đến các bậc hưu trí để tự điều chỉnh. Điều làm tôi suy nghĩ là những comment khi tôi đăng bài lên facebook, có người không hiểu được mục đích bài viết hoặc cố ý dựa vào vài chi tiết đề cập đến một số hạn chế trong ngành nhằm góp tiếng nói xây dựng thì họ lại bình luận theo hướng khác với ngôn ngữ chê bai khá thậm tệ để phủ nhận nền giáo dục của nước nhà. Những commet như vậy tôi đã xóa.

Nhìn lại quá trình đồng hành cùng trang báo, một bạn hỏi bài nào tôi tâm đắc nhất. Tôi nói khi viết bài nào cũng tâm huyết, nhưng khi đến với người đọc, có bài được, có bài chưa hay. Đang hồi ức về một số bài khá đầu tư như Hiệu trưởng như nhạc trưởng, Nhất chi mai, Huyền thoại mặt nạ, Giáo dục buông tay với Bà mẹ tử cung… thì anh bạn bảo tôi mở cho anh xem bài Hiệu trưởng như nhạc trưởng. Xem xong, anh nói thích nhất đoạn này:

Hiệu lực cây đũa chỉ huy (boton)

Giáo sư Jonh Vũ có nêu ý kiến của Zander, người nhạc trưởng được đánh giá vĩ đại nhất ngày nay đã điều hành dàn nhạc tốt nhất thế giới, rằng nhạc trưởng là người duy nhất trong dàn nhạc mà “không tạo ra âm thanh”, nhưng thành công hay thất bại trong biểu diễn đều thuộc về nhạc trưởng (1). Từ đó liên hệ đến vai trò hiệu trưởng điều hành toàn bộ các hoạt động trong giáo dục.

Đúng là nhạc trưởng chỉ cầm cây boton để vẫy nhịp điều hành, còn người tạo ra âm thanh là những nhạc công. Nhưng nhạc trưởng là người am tường nhất về nhạc lý, không chỉ hiểu rõ trường độ đến từng nốt mà còn nắm bắt cả linh hồn bản nhạc. Người ta xem đôi tay nhạc trưởng là nhạc cụ quyền năng, chiếc boton tay phải giữ cho nhạc “sống”, tay trái ngoài chức năng điều khiển về nhịp như tay phải còn có vai trò chính là biểu lộ “nhạc cảm”. Các tín hiệu từ mắt nhạc trưởng là thứ chủ đạo để kết nối, phải nhìn và nghe được, phản xạ nhanh và truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công. Nếu không có khả năng này sẽ không thể điều khiển và dẫn dắt dàn nhạc (2). Hiệu trưởng cũng không khác, là người lãnh đạo, còn giáo viên là người thực hiện cụ thể, phải liên kết bổ sung cho nhau để giáo viên biểu lộ năng lực tốt nhất của họ, phải biết động viên và truyền cảm hứng cho họ, trong điều hành phải hết sức tinh tường và phản xạ nhanh chóng xử lý kịp thời để không bị lỗi nhịp, để họ tiếp tục truyền cảm hứng cho học sinh. Hiệu trưởng (cũng như nhạc trưởng), không phải vì quyền lực mà phải từ năng lực, là người phải luôn khêu gợi những khả năng lớn và hỗ trợ giao quyền cho giáo viên, không được thiển cận, vụn vặt, mà phải có viễn kiến, luôn đặt tầm nhìn xa rộng về tương lai.(…)

Nguy hiểm chiếc boton mù

Hiệu trưởng là người điều hành một đội ngũ trí thức, họ sẽ nhìn vào toàn bộ cách phản xạ và xử lý của anh, sẽ biết năng lực của anh đến mức độ nào. Thường những người năng lực yếu, khi được bố trí giữ chức vụ điều hành, mà lại là người ham muốn giữ chức vụ đó, hay tỏ ra quyền lực, độc đoán, công việc điều hành cứ rập khuôn, máy móc, những đối tượng như thế rất sợ phê bình, nên không dám sáng tạo, có khi cũng không biết cách sáng tạo. Thậm chí còn muốn củng cố địa vị bằng cách ưu tiên người này, kẻ nọ, để họ vây quanh bảo vệ cho mình, từ đó nảy ra vấn đề cụm nhóm, vây cánh, bè phái, nội bộ lục đục, kiện tụng, chia rẽ. Thế là cái dàn hòa tấu sẽ tan vỡ, bởi vì đang bị chi phối của một nhạc trưởng mù cầm cây boton điều khiển. Ngay cả thiên tài như Beethoven, khi ông đã bị điếc hẳn, vì muốn tự chỉ huy, nên nhiều lần đã làm hỏng các giao hưởng của mình, sau đó nhạc công không nhìn theo chiếc đũa của ông nữa, mà thỏa thuận đánh theo bè trưởng violon I (3). Hiện nay, có một số hiệu trưởng, không những giỏi về chuyên môn, mà trong quản lý điều hành còn là nhà tâm lý nữa, nên ánh mắt và chiếc boton của họ đã truyền cảm hứng cho đội ngũ, để đội ngũ ấy truyền nhiệt huyết vào sự nghiệp giáo dục, chuyển tải hưng phấn vào tinh thần học tập cho học sinh. Nhưng cũng không ít hiệu trưởng không thể hiện năng lực mà luôn tỏ ra quyền lực, thậm chí còn đe dọa, tìm cách gây khó khăn với người này, nâng đỡ người kia vì mục đích cá nhân, không nhìn vào năng lực, chắc chắn sẽ thất bại.

Bây giờ ngẫm lại khi tham gia viết cho chuyên mục này khá vất vả, nhưng đó là một trong những niềm vui và kỷ niệm đẹp tháng ngày cầm bút. Gần đây mắt yếu, tôi có báo với thư ký tòa soạn từ nay không thể viết liên tục mỗi tuần một bài như trước, thỉnh thoảng khi nào có bài thì gửi đăng, nếu không tìm được người thay, xin khép lại trang chuyên mục Góc nhìn giáo dục của Bình Thuận cuối tuần.

VÕ NGUYÊN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Giao thông nông thôn ở Sơn Mỹ cần được nâng cấp
Xã ven biển Sơn Mỹ, Hàm Tân tập trung dân số khá đông sinh sống lâu nay chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng nhưng hệ thống giao thông liên xã, liên thôn đã trở nên xuống cấp nhiều năm nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, vận chuyển nông sản của người dân, hạn chế phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Mới đây, nhiều cử tri của xã đã đề cập thực trạng trên với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, mong muốn hỗ trợ nâng cấp đường sá cho người dân địa phương.
Nổi bật
Chờ đợi… đường hoa xuân
Như mọi năm, đường hoa xuân luôn được mong đợi, như một địa điểm để người dân vui chơi, có những kỷ niệm cùng với gia đình. Đường hoa xuân năm nay cũng đang được trông đợi. Không chỉ người dân mong đợi, những người đang tạo ra nó cũng chịu nhiều áp lực để có một sản phẩm đáp ứng cho mọi người vui xuân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáu năm đi cùng trang báo