Theo dõi trên

Sầu riêng Đa Mi chưa có niềm vui chung

12/06/2023, 05:16

Xã Đa Mi - huyện Hàm Thuận Bắc được xem là địa bàn duy nhất của tỉnh có số người nhập cư đông nhất với hơn 1.000 hộ. Từ hơn 50 tỉnh, thành đến Đa Mi lập nghiệp và bắt đầu hành trình vun đắp khát vọng làm giàu. Tuy nhiên, hơn 2 thập kỷ qua, người dân Đa Mi đã và đang trăn trở bởi họ vẫn chưa được sở hữu “chìa khóa vàng” để đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...

Bén duyên với sầu riêng

Tờ mờ sáng những ngày đầu tháng 6, từ thành phố Phan Thiết, chúng tôi ngược theo quốc lộ 55 với hơn 75 km để đến với xã vùng cao Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc. Có hẹn từ trước, bà Huỳnh Thị Thanh Xuân - Tổ trưởng Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Đa Mi - tổ 2, thôn La Dày đon đả tay bắt mặt mừng và nhanh chóng đưa chúng tôi vào vườn sầu riêng rộng lớn của gia đình bà. Để vào được đó, chúng tôi phải băng qua đoạn đường sỏi đá khoảng 1 km với nhiều con dốc cao khúc khuỷu. Trải ra trước mắt chúng tôi là một màu xanh ngút ngàn của 6 ha sầu riêng đang cho trái bói. Mùi hoa sầu riêng tỏa hương thơm khắp khu vườn giữa đại ngàn.

0.jpg
Bà Huỳnh Thị Thanh Xuân - tổ 2, thôn La Dày, xã Đa Mi chăm sóc sầu riêng.

Giữa trưa oi ả, bà Xuân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về hành trình vất vả đến với cây sầu riêng trên vùng đất của thôn La Dày. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi vương trên trán, bà Xuân nói: “Đây là khu vườn mà gia đình tôi để dành hết cả tâm sức và thời gian để có được những trái sầu riêng cơm vàng, dày, dẻo, vị béo ngọt". Nhớ về khoảng thời gian của 2 thập kỷ trước, ngày gia đình bà bắt đầu cuộc sống mới ở xã Đa Mi đầy vất vả, bà Xuân kể: Vợ chồng tôi lớn lên trong nghèo khó, đến với nhau bằng đôi bàn tay trắng. Không cam chịu đói nghèo, 20 năm trước, chúng tôi đi theo buôn bán, phục vụ công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi. Sau khi công trình kết thúc thì gia đình quyết định mua đất ở lại đây sinh sống. 2 thập kỷ xây dựng tổ ấm, vợ chồng tôi cùng nhau đồng tâm hiệp lực làm thuê cuốc mướn, những đồng vốn ít ỏi thấm mồ hôi được tích góp để mua vườn rẫy canh tác. Ngày đó, tích cóp trồng được 3 ha cây cà phê nhưng đầu ra không ổn định, bấp bênh. Trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn luôn là câu hỏi khiến vợ chồng bà Xuân trăn trở. Mãi đến năm 2012, nhận thấy sầu riêng là loại trái cây có nguồn đầu ra ổn định, vợ chồng bà Xuân đã quyết định chọn trồng và chăm sóc loại cây ăn trái này. Sầu riêng mang đến nhiều hy vọng của gia đình người nông dân trên vùng đất mới.

Bao mùa sầu riêng đi qua, mồ hôi đổ xuống, sầu riêng đều đặn ra trái, giống Thái và Ri6 cho cơm vàng, dày, dẻo, vị béo ngọt. Sau 2 mùa, cuộc sống của gia đình bà bước đầu ổn định như đáp lại sự gian nan, chịu thương chịu khó của vợ chồng bà. Có kinh nghiệm làm vườn phong phú cùng với việc chịu khó tham quan các mô hình trồng sầu riêng, học tập kinh nghiệm những người đã trồng thành công trước đó, vườn sầu riêng của gia đình bà Xuân nhanh chóng đem lại thu nhập khá. Giống chuẩn, chất lượng trái thơm ngon, hơn thế, vườn sầu riêng của gia đình bà sử dụng phân hữu cơ nên những mùa quả đầu tiên được thị trường đón nhận với giá ổn định. Không dừng lại, khi đã có thu hoạch, có vốn, có kinh nghiệm, vợ chồng bà Xuân tự tin tiếp tục mở rộng diện tích trồng sầu riêng, đến nay, gia đình bà đã trồng được khoảng 6 ha sầu riêng hữu cơ đang cho trái.

9.jpg
Vườn sầu riêng của bà Xuân nằm sát hồ Hàm Thuận - Đa Mi nhưng vẫn bị thiếu nước tưới.

... Và trăn trở

Thổ nhưỡng ở Đa Mi rất tốt nhưng thời tiết diễn biến khó lường. Những người chuyên làm nông nghiệp như bà Xuân lo lắng: “Tôi sống ở đây đã ngót nghét 20 năm nhưng chưa có năm nào nắng nóng kéo dài như năm nay. Vườn sầu riêng nhà tôi thường xuyên bị thiếu nước tưới dù ngay trước mặt là hồ Hàm Thuận - Đa Mi. Tôi đã đầu tư đào ao ngay bên cạnh hồ để bơm nước tưới cho sầu riêng. Thiếu nước, hoa sầu riêng bị rụng nhiều, quả non cũng không lớn được” - bà Xuân buồn rầu nói. Nhưng thiếu nước lại chưa phải là nỗi lo lớn nhất, điều khiến bà Xuân loay hoay mãi là thiếu hụt nguồn vốn để tái cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bởi ở đây nhiều hộ dân và tài sản của họ chưa được cấp sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Nhiều khi cấp bách, gia đình bà Xuân phải đi vay nóng với lãi suất “cắt cổ”. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đối với người dân trên vùng cao này còn chưa ổn định, vì vậy nên giá cả sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác bấp bênh…

Mang tâm tư của bà Xuân đến gặp ông Nguyễn Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Đa Mi, ông cho biết: Tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn xã Đa Mi là 950 ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất sản xuất. Để đảm bảo quyền lợi của người dân trong vấn đề trồng sầu riêng, hiện nay xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo vệ thương hiệu trái cây sầu riêng của Đa Mi. Bên cạnh đó, xã vận động các hộ tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP, tham gia vào các hợp tác xã để bảo vệ quyền lợi của nhân dân trong tạo ra sản phẩm đăng ký được cấp mã vùng trồng để trong quá trình triển khai thực hiện sản xuất trái cây được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch để có hiệu quả, năng suất, giá thành cao hơn.

"Đối với công tác cấp sổ đỏ, từ khi thành lập xã đến nay đã 21 năm, tuy nhiên việc cấp sổ đỏ cho người dân còn gặp nhiều khó khăn do vướng phương án cấp đấp cho nhân dân. Hiện nay trên địa bàn xã chỉ có 11% diện tích đất được cấp quyền sử dụng, do vậy UBND xã đã có báo cáo và xin ý kiến của UBND huyện để thay đổi phương án cấp đất cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp đất của người dân" - ông Toàn cho biết thêm.

Trăn trở của bà Xuân cũng chính là trăn trở của hàng ngàn hộ dân và chính quyền xã Đa Mi hơn 20 năm qua. Mong sao người dân xã Đa Mi sẽ sớm được cấp sổ đỏ để ổn định cuộc sống, dễ tiếp cận vốn vay để đầu tư cho nông nghiệp. Khi được sở hữu “chìa khóa vàng”, người dân vùng cao Đa Mi sẽ mạnh dạn mở ra hướng đi mới, bền vững hơn trong trồng trọt, góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc...

GHI CHÉP: THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức Linh: Gió lốc làm sầu riêng thiệt hại ước hơn 60 tỷ đồng
BTO-Theo nguồn tin từ xã Đa Kai (Đức Linh), vào 3 giờ sáng ngày 7/5 , trên địa bàn có xảy ra mưa lớn, kèm theo gió lốc làm ngã đổ hư hại nhiều diện tích sầu riêng ở thôn 10, xã Đa Kai.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sầu riêng Đa Mi chưa có niềm vui chung