Theo dõi trên

Say - bài thơ viết về một nửa của nhà báo Lê Hồng Văn

21/06/2019, 09:13

BT- Năm 2017, nhà báo Lê Hồng Văn đã cho ra mắt bạn đọc tập sách “Thơ văn chọn lọc”. Riêng phần thơ trong tuyển tập, tác giả đã chọn in 42 bài, những bài ghi lại những dấu mốc trong quá trình sáng tác của anh, với chặng đường trên 35 năm, tính từ những bài thơ đầu tiên anh viết. Nếu “Xuân quê”, một bài thơ nhẹ nhàng, thơ mộng, lời rất đẹp, đã được nhạc sĩ Minh Đức phổ nhạc với những giai điệu ngọt ngào, rất hợp với lời thơ; thì “Say” là một bài thơ khác, có nét riêng của tác giả. 

Những rung cảm của tác giả bài thơ về một nửa

Đọc trọn 5 khổ thơ của bài thơ “Say”, người đọc dễ nhận ra: tác giả- cũng chính là nhân vật nam trong bài thơ - đã có những rung cảm mạnh mẽ về một nửa. Từ “nửa bài thơ”, được tác giả gởi gắm, với 7 lần xuất hiện trong toàn bài. Đó là gì, nếu không là sự ám ảnh nghệ thuật: Điều chưa trọn vẹn của một cuộc tình, của một lần gặp gỡ, của sự thầm yêu.

Tác giả bài thơ đã có những xúc cảm hưng phấn khi người ấy đến: “Nửa bài thơ là cả một mùa xuân - ngọt ngào hoa trái - vị ngọt của dòng thơ - những vần say…” Sự tươi sáng rạng rỡ của mùa đẹp nhất trong năm, sự ngọt ngào của quả chín, sự thi vị của những vần thơ; tác giả say trong tình yêu, trong mật ngọt của diễm tình.

Để rồi, khi người ấy đi, tâm trạng tác giả ra sao? Là sự “ngẩn ngơ - những điều không viết hết về em - hồi hộp - thẩn thờ - vị đắng cay - bừng tỉnh sau cơn say, bài thơ nửa chừng…”.  Bao điều dang dở khi em ra đi, mà quan trọng nhất: nửa bài thơ chưa viết hết. Nửa bài thơ đã gói bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ của tác giả, để rồi nó trở thành trọn vẹn bài thơ “Say” của anh.

“Em đã đi rồi mà chẳng nói cùng anh/ Để bài thơ nửa chừng oan uổng quá/ Biết có gặp em cho anh trọn vẹn…”. Cùng một tâm trạng với tác giả Lê Hồng Văn, không ít nhà thơ cũng đã viết về một nửa này.

 Rung cảm “về một nửa” của một số nhà thơ

Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết trong bài thơ “Những giọt lệ”: “Người đi, một nửa hồn tôi mất/ một nửa hồn tôi, bỗng dại khờ”. Cung bậc đau thương đã được Hàn Mặc Tử đẩy thật sâu, khiến người đọc thấy nhà thơ như rơi vào một trạng thái bế tắc, như uống phải chén mật đắng của cuộc tình. Toàn bộ hồn ông như rơi vào vô vọng.

Ở bài “Áo lụa Hà Đông”, nhà thơ Nguyên Sa đã nhắc đến sự chia tay của một cuộc tình:

“Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết

Trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu

Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau

Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại.

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại

Giận thơ anh sao chẳng nói nên lời

Em đi rồi sám hối chạy trên môi

Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã nói về sự cô đơn khi xa cách người yêu ở bài “Thơ viết ở biển”:

“Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn”.

Mỗi tác giả, có những rung động, xúc cảm khác nhau về những cuộc chia tay trong tình yêu. Đối với tác giả Lê Hồng Văn, đó là sự tiếc nuối cho một cuộc tình đắm say, để lại những đắng cay, dang dở, đau buồn, chẳng biết rồi có gặp lại được nhau để cuộc tình được trọn vẹn hay không; hay mong ước cũng chỉ là mong ước mà thôi!

Ngôn ngữ của bài thơ: Lời của bài thơ “Say” giản dị, nhưng giàu nhạc tính. Người đọc dù đọc thầm bài thơ hay đọc vang, vẫn dễ thấy độ bổng trầm của thanh điệu ở từng dòng, từng khổ thơ:

“Bài thơ anh mới làm một nửa,

Một nửa đành để vậy biết làm sao…

Em đã đi rồi mà chẳng nói cùng anh

Để bài thơ nửa chừng oan uổng quá”.

Điệp ngữ “nửa bài thơ” được lặp lại nhiều lần trong bài đã tạo nên âm hưởng tiếc nuối cho một cuộc tình; cùng với động từ “say”, được tác giả nhấn mạnh nhiều lần dễ khắc sâu rung cảm nơi người đọc.

Có điều hình như tác giả ít dụng công cho vần. Dẫu vần là yếu tố quan trọng về hình thức để liên kết các dòng thơ.

Theo cách nói của PGS. NGND Nguyễn Văn Long: “Đọc bài thơ là lắng nghe những rung động, xúc cảm trong lòng mình được gợi ra từ chính những cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ gởi gắm trong thi phẩm”. Đọc bài thơ “Say” của nhà báo Lê Hồng Văn, người đọc cảm nhận được những rung cảm của tác giả về một cuộc tình, có sự chân chất, có sự nồng say, có sự tiếc nuối, có ước mơ, nhưng không bi lụy.

Dương Thế Thuật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Say - bài thơ viết về một nửa của nhà báo Lê Hồng Văn