Việc thống kê tàu cá hiện có, xác định làm rõ số tàu cá “3 không” (không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác) để xử lý, không chỉ giúp ngư dân đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản.
Số tàu đăng kiểm khá cao
Do đó, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản đã chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm xây dựng kế hoạch triển khai, phân công cán bộ phụ trách, theo dõi từng địa bàn trong tỉnh để phối hợp rà soát, đối chiếu, nắm rõ nguyên nhân cụ thể đối với từng tàu cá khi hết hạn đăng kiểm. Qua đó, chỉ đạo các Trạm kiểm ngư khu vực tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho tàu cá hoạt động trên biển khi chưa thực hiện đăng kiểm. Kết quả năm 2023, toàn tỉnh đã có 3.320/3.903 tàu có chiều dài từ 12m trở lên thực hiện đăng kiểm đúng quy định, đạt tỷ lệ 85,06%. Số tàu cá chưa thực hiện đăng kiểm (khoảng 550 tàu cá) chủ yếu do các nguyên nhân như: tàu cá đậu bờ do hoạt động kém hiệu quả, chờ bán; tàu cá đang thi hành án, tranh chấp dân sự; một số chủ tàu không có mặt tại địa phương nên không liên hệ được; tàu cá đã thay máy bộ nên còn vướng thủ tục; tàu cá (trên 15m) chưa thực hiện việc cải hoán (thay máy, chuyển nghề) nhưng đã thực hiện việc ký hợp đồng mua bán cho chủ mới; tàu cá mua bán trong tỉnh nhưng không thực hiện các thủ tục pháp lý như không làm hợp đồng mua bán, không thực hiện đăng ký lại…
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như cố tình không thực hiện đăng kiểm, nhiều ngư dân chấp hành pháp luật còn hạn chế. Một số địa phương có bãi ngang nên chủ tàu cá tránh được kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thực tế, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mua lại tàu cá của ngư dân tỉnh, thành khác về sử dụng. Do không có đầy đủ giấy tờ, không đảm bảo tiêu chí chứng minh nguồn gốc nên không được ngành chức năng cấp giấy phép khai thác hải sản. Số tàu này vẫn lén lút ra khơi đánh bắt hải sản.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, công tác đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có tầm quan trọng lớn trong hành trình nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Nhận thức được điều này, ngay khi Luật Thủy sản năm 2017 được ban hành và có hiệu lực, Chi cục Thủy sản đã chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát và tham mưu triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tàu cá được cấp phép nhưng đảm bảo tính chặt chẽ, đúng quy định. Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các quy trình, phần mềm quản lý, Chi cục đã đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Rà soát, thống kê, phân loại danh sách cụ thể từng tàu cá gửi các Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm ngư khu vực, Phòng Nông nghiệp/Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố vùng biển phối hợp vận động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kiểm tra nhắc nhở và kiên quyết không cho tàu xuất bến nếu không có giấy phép khai thác theo quy định. Đồng thời, điều tra, tìm hiểu nguyên nhân từng trường hợp cụ thể để tham mưu các giải pháp khắc phục. Nhờ vậy, kết quả cấp giấy phép khai thác rất đáng ghi nhận, số tàu cá đăng ký được cấp phép trong năm 2023 là 5.321/5.997; đạt 88,7%.
Kiên quyết không cho xuất bến
Số tàu cá đăng ký còn lại chưa thực hiện cấp giấy phép khai thác (còn 676) là do chưa thực hiện đăng kiểm; thiếu chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoạt động nghề hạn chế hoặc nghề cấm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là chủ tàu cố tình vi phạm không chịu làm giấy phép, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, nhắc nhở hoặc một số lơ là chủ quan, không nắm bắt được các quy định, thủ tục, hồ sơ; số khác thường xuyên hoạt động và neo đậu ngoài tỉnh, ít về địa phương...
Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Thủy sản sẽ chỉ đạo các Trạm kiểm ngư khu vực tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không cho xuất bến nếu tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm tàu cá tăng cường theo dõi, rà soát, đối chiếu từng trường hợp tàu cá hướng dẫn kịp thời để nâng cao tỷ lệ đăng kiểm tàu cá trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá cho ngư dân đảm bảo đủ điều kiện được cấp phép. Đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong cải hoán máy chính, máy bộ và các hồ sơ thủ tục có liên quan.
Qua đó, Chi cục Thủy sản cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT sớm tổ chức điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản làm cơ sở xây dựng hạn ngạch giấy phép khai thác vùng ven bờ và vùng lộng của tỉnh. Ngoài ra, mong rằng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và xử lý các chủ tàu cá cố tình vi phạm.