Sáng sớm ngày 29/8, các tuyến phố cổ Tràng An văn hiến rợp bóng cờ bay mừng Quốc khánh 2/9 và 78 năm Cách mạng tháng Tám. Nắng vàng màu mật ong trải dài. Phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Hùng Vương… hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lá vàng rơi như trải thảm. Trên kỳ đài đỉnh cột cờ Hà Nội, lá quốc kỳ phấp phới tung bay trước gió, điềm lành cho những mùa thu vững bền của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…
Đoạn tản văn trên Út Mũi Né dẫn trên trang cá nhân của một người bạn thân của anh chị Tô Hà – Khắc Năng, một người con yêu dấu của Hà Nội. Ngày ấy, 56 năm trước chị Tô Hà tròn 17 tuổi đã khai tăng thêm 1 tuổi và trốn nhà gia nhập đại đội Thanh niên xung phong 812 của thủ đô, viết lá đơn bằng máu sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân – cùng cả nước ra trận. Một tuần sau đó, Tô Hà có mặt tại tuyến lửa Khu IV, sống và chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thông đường dưới mưa bom bão đạn ác liệt, những năm 1967 – 1970.
Sau một trận bom ném sập cầu phà, Tiểu đội trưởng Tô Hà thuộc đại đội 812 và đại đội trưởng Khắc Năng đại đội 811 của Hà Nội gặp lại nhau trên tuyến lửa. Họ vốn là cán bộ đoàn của quân đoàn Hoàn Kiếm, Thành đoàn Hà Nội. Tình bạn, tình yêu của họ được kết nối thật đẹp dưới bom đạn và bên những cánh hoa rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Trên trang cá nhân, Tô Hà kể lại: Ngày 29/8 là sinh nhật lần thứ 75 của mình. Chị sinh tại nhà thương Phú Doãn, nay là bệnh viện hữu nghị Việt – Đức, khôn lớn trong bàn tay chăm sóc, yêu thương của bố mẹ, gia đình; trưởng thành trong cái nôi văn hóa Tràng An, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược. Văn hóa Tràng An, tinh thần Cách mạng tháng Tám hòa nhịp vào tâm hồn trẻ trung của Tô Hà và bao thanh niên Hà Nội, thanh niên cả nước.
Ngày 29/8/2023, trong bầu không khí rộn ràng đó, một chiếc xích lô gọng vàng mà du khách vẫn thường “bát” phố Hà Nội theo các “City Tour”. Cặp đôi lão ông và lão bà Tô Hà và Khắc Năng vận bộ đồ sang trọng, áo dài và comle cà vạt, với chiếc điện thoại thông minh, ông bà vừa “bát” phố vừa chụp hình, quay phim. Khi tới mái trường cấp 3 Thanh Quan, 29 phố Hàng Cót, thời học phổ thông trung học, ông bà cho xích lô dừng lại để chụp hình, nhớ về những kỷ niệm xưa. Cựu học sinh bà trong tà áo dài phố cổ màu xanh lam, dưới ánh nắng vàng mùa thu đã ngân nga bài hát về mùa thu Hà Nội: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Từ đâu đó, bên kia đường phố Hàng Cót bỗng ngân lên tiếng đàn guitar bài Hà Nội và tôi (Lê Vinh): Nơi tôi sinh Hà Nội. Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó. Đêm nằm nghe trong gió. Tiếng sông Hồng thở than. Những ngày tôi lang thang. Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội. Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi. Mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi…
Tình yêu trọn vẹn của 2 cựu tiểu đội trưởng và đại đội trưởng Thanh niên xung phong 811, 812 là vậy. Họ sẵn sàng cống hiến và hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Họ làm việc quên mình, tận hiến tài năng và trí tuệ trong xây dựng hòa bình. Họ yêu Hà Nội, mảnh đất đã sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn văn hóa ngàn năm văn hiến… giữa trời thu Hà Nội. Chúc mừng ngày sinh, khi đã lên ông lên bà họ vẫn cháy bỏng một tình yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc Việt và tình yêu cháy bỏng trọn vẹn bên nhau, tấm gương sáng cho con cháu noi theo: Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc giữa nôi văn hóa Tràng An!
***
Ông bà Tô Hà & Khắc Năng ước nguyện, một ngày không xa sẽ trở lại thành phố Hồ Chí Minh thăm bến cảng Nhà Rồng, mà từ đó Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Từ thành phố mang tên Người, 2 cựu thanh niên xung phong sẽ có dịp theo cao tốc Tp. HCM – Long Thành – Dầu Giây - Phan Thiết thăm khu di tích lịch sử Dục Thanh, nơi chàng thanh niên yêu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng lại dạy chữ, truyền bá ngọn lửa yêu nước cho thanh niên, học sinh. Phan Thiết – Bình Thuận rất đẹp, địa lợi nhân hòa, tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng rộng mở, điểm đến của nhiều cụ bà, cụ ông và du khách trong nước, ngoài nước ...