Theo dõi trên

Số hóa di tích - sự chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ

09/06/2023, 05:45 - Lượt đọc: 1,134

Ứng dụng mã QR Code đang dần có mặt tại một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, đây là hoạt động được Tỉnh đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh triển khai, góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, số hóa, theo xu thế mới của thời đại.

di-tich.-so-hoa.-tuy-phong-1.jpg
Quét mã QR Code trên điện thoại thông minh

Với một chiếc điện thoại thông minh trên tay có kết nối internet, những du khách và các bạn trẻ nhanh chóng nắm được các thông tin hữu ích về nguồn gốc và phong tục địa phương tại di tích mà họ đang muốn tìm hiểu trong vòng vài giây mà không cần sự có mặt của thuyết minh viên. Với nội dung thông tin được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi được tích hợp sẵn trong mã QR Code.

so-hoa-di-tich.11.jpg
Thông tin hiện ra sau khi quét

Anh Thái Thành Bi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: Thực hiện chủ đề năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, mỗi huyện, thị, thành đoàn đăng ký xây dựng 2 công trình quét mã QR Code tại các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để giúp du khách nắm thông tin một cách đầy đủ, tiện lợi, chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc...

di-tich-so-hoa.-tuy-phong.jpg
Thao tác thực hiện đơn giản

Theo đó, các đơn vị khảo sát nhu cầu thông tin của du khách khi đến tham quan địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, lựa chọn điểm triển khai công trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý để tổng hợp, biên tập và xây dựng thành ấn phẩm tuyên truyền được số hóa trong các mã QR. Tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ, điểm mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu. Ngoài ra, còn được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, mạng xã hội. Việc triển khai được thực hiện điểm tại một số di tích, sau đó nhân rộng ra, gắn với việc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

bac-binh-2023.jpg
Đến cuối năm 2023 sẽ có 23 di tích lịch sử, văn hóa được số hóa

Chị Nguyễn Thu Lan – từ Phan Thiết ra tham quan điểm di tích đình Xuân An (Bắc Bình) đánh giá: Ứng dụng đã cung cấp thông tin giới thiệu chung về các hiện vật bằng ngôn ngữ tiếng Việt, nội dung ngắn gọn, đầy đủ phù hợp với thời gian tham quan. Thay vì đi theo đoàn hoặc liên hệ trước để được hướng dẫn, ứng dụng cho phép du khách tiếp nhận thông tin một cách tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... Hơn nữa, việc tích hợp này giúp du khách dễ dàng tra cứu hơn so với phương thức truyền tải truyền thống.

Ngoài 3 điểm di tích được Trung ương Đoàn hỗ trợ cho Tỉnh đoàn thực hiện qua nhận dạng 3D, đến cuối năm 2023, sẽ có 20 di tích lịch sử, văn hóa được 10 huyện, thị, thành đoàn hoàn thành ứng dụng quét mã QR Code. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm di tích cho thấy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gắn kết di tích lịch sử với du lịch tìm hiểu
Những tháng qua, vào các ngày cuối tuần, nhiều đoàn khách trong tỉnh đã đến tham quan, tìm hiểu Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Khu Di tích Sa Lôn) nằm trên rừng núi Sa Lôn thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Địa chỉ về nguồn này vừa là nơi cho thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử cách mạng hào hùng của quân, dân Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ khốc liệt.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số hóa di tích - sự chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ