Theo dõi trên

Sổ tay phóng viên: “Tử tế vì môi trường”

07/06/2022, 05:33

“Sống xanh” không phải là một chiến dịch rầm rộ mà được thể hiện qua cách sinh hoạt hàng ngày và hành động nhỏ của mỗi người. Đây được coi là hành vi ứng xử với môi trường sống một cách văn minh nhất...

1. Câu chuyện “Tử tế vì môi trường” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì vừa diễn ra vào cuối tháng 5 và được tổ chức trực tuyến trên trang fanpage của Hội đã thực sự làm thức tỉnh, khuấy động các hoạt động bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ trong cả nước nói chung và tại Bình Thuận nói riêng. Một thông điệp ngắn gọn nhưng vô cùng giản dị đó là “Thực hành sống xanh”.

Tưởng to tát, hóa ra “sống xanh” là những hành động nhỏ mỗi ngày mà ai cũng có thể dễ dàng thực hiện. Hành trình ấy bắt đầu từ thực hiện giữ gìn và trồng thêm nhiều cây xanh, sử dụng chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, rút các phích điện khỏi ổ cắm khi không sử dụng để tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, luôn nhớ nguyên tắc 3T: Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế, tận dụng ánh sáng mặt trời, giảm thiểu sử dụng túi nilon, sử dụng thực phẩm, vật dụng tự sản xuất ở địa phương mình, sử dụng thiết bị tiến bộ khoa học giúp tiết kiệm điện và nâng cao ý thức sống.

Theo thống kê của các chuyên gia, lượng rác thải nhựa, rác thải điện tử, rác thải xây dựng và rác thải nguy hại đang tăng rất nhanh. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người hiện nay ở Việt Nam là khoảng 54 kg/năm/người, tăng rất nhiều so với con số 3,8 kg năm 1990. Nhiều hệ sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng do tác động của biến đổi khí hậu và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Và còn nhiều vấn đề môi trường khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

img_9121.jpeg

2. Môi trường lâu nay đang có sự “ô nhiễm” mà đối tượng gây ra không ai khác chính là con người. Thế nhưng, một số người lại dửng dưng làm ngơ, quên đi và thậm chí là không hay biết. Dẫu biết rằng, việc tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp ở bất kỳ nơi đâu đã được trang bị và thông tin. Song ở những khu vực hay bị ô nhiễm như nuôi thủy sản, khu công nghiệp lớn, khu đông dân cư, bãi tắm công cộng người dân vứt rác bừa bãi, vứt rác một cách thiếu ý thức, thậm chí ngay khi đội ngũ công nhân môi trường vừa thu dọn, thì rác lại chất thành đống trở lại.

Nguyên nhân của những hành động thiếu ý thức đó là do thói lười biếng, lối sống ích kỷ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Đa số mọi người nghĩ rằng, những nơi công cộng không phải nhà mình, vậy thì việc gì mà phải mất công giữ gìn, đã có đội lao công dọn dẹp hay suy nghĩ một cách thiển cận rằng thải xuống biển thì biển cuốn đi không tồn đọng chỗ mình ở là được. Cách suy nghĩ như vậy thật đáng chê trách.

img_9120.jpg
Hội viên, phụ nữ trồng hoa và cây xanh tại khuôn viên nơi làm việc, khu dân cư

3. Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, nhưng đồng thời là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, các cơ sở Hội LHPN Bình Thuận đã quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền.

Rõ nhất trong nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp như 2 vụ lúa, 1 vụ màu, trồng măng tây, rau màu, trồng cỏ nuôi bò, chăn nuôi… đã được hội viên chuyển đổi trên những chân ruộng thiếu nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ cao theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Các mô hình trao tặng hộp, giỏ nhựa cho hội viên, phụ nữ để giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon đựng thực phẩm, hàng hóa khi đi chợ; thu gom rác thải tái chế gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn; đổi rác thải lấy quà tặng là sách, rau sạch, cây xanh… được triển khai thường xuyên hơn. Riêng trong đợt thực hiện công trình, phần việc chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, các cơ sở Hội ở Bình Thuận đã làm được 99 công trình trồng cây xanh với hơn 5.000 cây ăn trái và hoa.

Từ chuyện nhỏ như cái giỏ đi chợ của mỗi người phụ nữ, thành một chuyện lớn của xã hội rằng hạn chế dần rác thải nhựa. Hãy cùng tích cực chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất - cái nôi của sự sống. Tử tế vì môi trường chính là tử tế cho chính mỗi người và cuộc sống của chúng ta.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về luật bảo vệ môi trường
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường thế giới (5/6/1972 - 5/6/2022), Hội LHPN Việt Nam đang tổ chức “Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sổ tay phóng viên: “Tử tế vì môi trường”