Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Luật mới thông qua thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật bảo vệ môi trường (BVMT) có tính tổng thể, toàn diện, hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Luật đã dành một phần nội dung thể hiện vai trò, trách nhiệm các tầng lớp nhân dân giám sát, bảo vệ môi trường. Luật cũng đã quy định cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí của doanh nghiệp. Ngay từ khi triển khai luật, Bộ TN-MT xác định trong năm nay yêu cầu sở TN-MT các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của luật, các văn bản hướng dẫn tới các cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp”.
Trong quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư hết sức quan trọng, quyết định công tác BVMT. Luật đã đưa “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT. Luật mới quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về BVMT; qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng. Người dân có thể đến phản ánh trực tiếp, khiếu nại tại UBND cấp xã, phòng TN-MT cấp huyện, Sở TN-MT về vi phạm lĩnh vực môi trường trên địa bàn; cơ quan chức năng phải kiểm tra, trả lời cho người dân theo Luật Khiếu nại. Các cơ quan chức năng bố trí phòng tiếp dân, lãnh đạo tiếp dân vào thời gian phù hợp trong tuần.
Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải. Hình thức công khai được thực hiện thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài địa phương), các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đông đảo người dân tiếp nhận thông tin. Chủ trương Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Luật đã dành một điều quy định công khai thông tin, sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, trừ thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong luật.
Trong khuôn khổ liên quan, Sở TN-MT, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp Tổng cục Môi trường đã tập huấn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho đông đảo cán bộ, viên chức phụ trách môi trường cấp huyện, cấp xã, đại diện các cơ sở, doanh nghiệp. Hệ thống truyền thanh các địa phương đang tăng cường tuyên truyền luật mới đến cộng đồng dân cư trong tháng 6: Tháng hành động vì môi trường. Sở TN-MT tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu thẩm định nhiều cơ sở, doanh nghiệp, trang trại dễ gây ô nhiễm môi trường để xử lý các cơ sở vi phạm ở lĩnh vực này. Cùng đó, chính quyền các địa phương đã kêu gọi người dân tăng cường giám sát, cung cấp thông tin một số trang trại chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn, cụm chế biến hải sản như ở Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, TP. Phan Thiết… dễ gây ô nhiễm môi trường ra sông, suối, cộng đồng dân cư để có biện pháp xử lý, răn đe, BVMT lâu dài.