Theo dõi trên

Sự cảnh báo

24/06/2022, 06:13

Qua tiếp xúc khảo sát nhiều phụ huynh, trẻ em, tiến sĩ – bác sĩ Leonard Sax có những đánh giá quan trọng về giáo dục trong cuốn Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ (1) – một công trình nghiên cứu công phu về cách nuôi dạy con cái thời hiện đại.

Cuốn sách cần cho cha mẹ

Đây là cuốn sách được dư luận đánh giá rất cao. Tiến sĩ Nancy Kehoe, GS tâm lý học tại Trường Y Harvard nhận xét: “Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm thực hành lâm sàng lẫn phỏng vấn học sinh và phụ huynh trên toàn thế giới, Sax đưa ra một bức tranh thực tế và đáng báo động về sự sụp đổ của việc nuôi dạy con cái trên đất nước này. Nhưng ông không để cho người đọc tuyệt vọng; ông đưa ra những giải pháp, đơn giản, dễ dàng, cung cấp cho cha mẹ một hướng dẫn dễ tiếp cận để giúp họ lấy lại vai trò chính đáng của mình”. Cuốn sách Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ với 2 phần: Phần một: Những vấn đề – nêu lên những việc chúng ta đang làm hư con trẻ ra sao?; Phần hai: Giải pháp – ba điều phải làm để dạy con trưởng thành.

sach-1.jpg

Sax đưa ra nguyên nhân trước tiên việc “chúng ta đang làm hư con trẻ” là những cải cách ở nhiều trường và các quận ở Mỹ “quyết định rằng ưu tiên hàng đầu của việc giáo dục trẻ những năm đầu tiểu học là dạy chữ và số, thay vì kỹ năng xã hội”. Ưu tiên như thế vì nhiều người lo lắng khi so sánh “học sinh Nhật Bản đã vượt xa học sinh Mỹ ở một số thước đo về học thuật”. Nên “những năm 1980 và 1990, thậm chí là thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo trường rất tự hào về bản thân đã đưa chương trình “khó” vào giáo dục tiểu học”. Ngay cả ở giáo dục mầm non cũng yêu cầu giáo viên “dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy đánh vần, hơn là các chuyến tổ chức dã ngoại, hát vòng tròn”… “Sự thay đổi trong chương trình giáo dục tiểu học dẫn đến hậu quả là sự lơ là trong việc dạy kỹ năng xã hội; tất cả đã đặt một gánh nặng chưa từng có lên cha mẹ ở Mỹ. Nhưng chính lúc con trẻ cần cha mẹ hơn bao giờ hết để dạy chúng trở thành một người tốt trong cái văn hóa này, thì uy quyền của cha mẹ để làm việc đó lại bị coi nhẹ. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà trẻ coi trọng ý kiến của bạn bè cùng lứa hơn là cha mẹ, còn quyền uy của cha mẹ lại bị tụt dốc trong mắt của con cái và cả trong mắt của chính cha mẹ”. Tiến sĩ – bác sĩ Sax nêu lên một hiện thực không riêng giáo dục của một quốc gia nào, rằng “cơ sở chính mà văn hóa Mỹ đương đại ngày nay khẳng định tính ưu việt của nó trong trái tim của trẻ em Mỹ là internet và điện thoại di động.” “Công nghệ và thiết bị tiếp tục chia cách các thế hệ và làm suy yếu thẩm quyền của cha mẹ. Trẻ em có nhiều khả năng hiểu về công nghệ hơn người lớn. Trẻ 9 tuổi dễ dàng chinh phục những điều mơ hồ trên Instagram và Snapchat(2). Cha mẹ ở lứa tuổi 40 của chúng thì thậm chí còn không biết Snapchat là gì. Ngay cả khi họ có biết, có lẽ cũng không thấy gì hay. Con gái của bạn và bạn bè của nó có nhiều khả năng biết hơn bạn những cách tải ảnh từ điện thoại di động lên trang Instagram và tô điểm ảnh với các hiệu ứng kỹ thuật số. Đó là một lý do tại sao con gái của bạn có thể đánh giá cao ý kiến của bạn bè hơn là ý kiến của bạn. Bạn bè của nó dường như hiểu biết nhiều điều quan trọng hơn bạn. Và càng dành nhiều thời gian trên Instagram chúng càng có xu hướng nghĩ rằng hiểu biết về Instagram là quan trọng”.

Giáo dục phối hợp đồng bộ

Từ thực trạng đó, bác sĩ Leonard Sax đặt vấn đề phụ huynh cần có thời gian giáo dục về khao khát cho con, dạy chúng những giá trị của bản thân thay vì để chúng mặc nhiên thúc đẩy tiếp nhận những giá trị bởi văn hóa đương đại. Việc làm đó phải có sự phối hợp đồng bộ các thành phần trong xã hội, như “một số quốc gia có những truyền thống giúp duy trì quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Tại Hà Lan, các trường học đóng cửa vào buổi trưa thứ tư hàng tuần để trẻ em có thể tận hưởng thời gian giữa tuần với cha mẹ mình. Hầu hết các công ty ở Hà Lan cho nhân viên của họ nghỉ vào chiều thứ tư hoặc thậm chí cả ngày. Theo truyền thống, học sinh tiểu học ở Pháp cũng được nghỉ vào thứ tư, mặc dù chính phủ đang suy nghĩ về việc này. Ở Geneva, Thụy Sĩ, các trường tiểu học công lập đóng cửa 2 tiếng vào buổi trưa mỗi ngày để trẻ có thể về nhà và ăn trưa cùng cha mẹ. Nhiều công ty Thụy Sĩ ủng hộ truyền thống đó bằng cách cho nhân viên của họ nghỉ trưa 2 tiếng rưỡi, để cha mẹ có thể ở nhà ăn trưa cùng con”.

Trong phần một cuốn Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ, Sax đưa ra những vấn đề giáo dục quan trọng từ: Văn hóa thiếu tôn trọng; Tại sao nhiều trẻ bị béo phì?; Tại sao nhiều trẻ phải điều trị bằng thuốc?; Tại sao học sinh Mỹ đang tụt lại phía sau?; Tại sao nhiều trẻ mong manh như vậy? Những vấn đề ông nêu thật ra không riêng cho một quốc gia nào trong thực trạng giáo dục hiện nay.

(1): The collapse of parenting by Leonard Sax – Đinh Hương Ly và Nguyễn Chí Hiếu dịch, Công ty cổ phần sách Thái Hà giữ bản quyền tiếng Việt phát hành 2020; (2): Instagram là một dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video của Mỹ được tạo ra Kevin Systrom và Mike Krieger. Vào tháng 4/2012, Facebook đã mua lại dịch vụ này với giá khoảng 1 tỷ đô la Mỹ; còn Snapchat là một ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh được phát triển bởi một nhóm sinh viên đại học Stanford, sử dụng ứng dụng này, người dùng có thể chụp ảnh, quay video, thêm vào văn bản và hình vẽ vào, và gửi chúng vào danh sách người nhận có kiểm soát, những hình ảnh và video được gửi gọi là “Snaps” (Wikipedia).

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trường tiểu học Hòa Thành: Giáo dục học sinh bằng những biểu ngữ hay
Trường tiểu học Hòa Thành (Hàm Thuận Bắc) chuẩn bị những biểu ngữ, những câu tuyên truyền mang tính giáo dục giúp các em học sinh cùng học tập.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự cảnh báo