Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 2 năm tình hình xe quá tải trên cả nước đã giảm 92%. Tại Bình Thuận, Trạm kiểm tra tải trọng Bình Thuận được tỉnh thành lập vào tháng 4/2014 tại Km1705+250 quốc lộ 1A, cùng với các tổ kiểm tra lưu động đã kiểm tra 25.685 phương tiện, trong đó phát hiện 5.101 xe vi phạm, số tiền phạt thu nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng, tước trên 3.000 giấy phép lái xe vi phạm. Trạm cân Bình Thuận được liên Bộ Giao thông Vận tải và Công an đánh giá là một trong các trạm hoạt động hiệu quả nhất cả nước.
Với hiệu quả như vậy, đáng ra các trạm cân phải tiếp tục duy trì hoạt động để tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng xe quá tải đang từng ngày, từng giờ phá nát các tuyến đường giao thông. Thế nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, cũng là lúc kết thúc Kế hoạch 12593 của liên Bộ Giao thông Vận tải - Công an, từ tháng 9/2016 đến nay các trạm cân xe quá tải bắt đầu “thoái trào”. Chỉ tính đến thời điểm cuối tháng 11/2016, trên địa bàn cả nước có tới 23 trạm cân tạm dừng hoạt động và theo thời gian một số trạm cân khác tiếp tục dừng hoạt động, trong đó có Trạm cân Bình Thuận. Tất nhiên khi các trạm cân ngừng hoạt động thì tình trạng xe quá tải sẽ trở lại hoành hành và hậu quả để lại cho kết cấu hạ tầng giao thông thì ai cũng đã rõ.
Lý giải một số trạm cân dừng hoạt động, trước hết là do thiết bị cân sau một thời gian hoạt động luôn bị sự cố hỏng hóc. Mỗi lần thiết bị hư hỏng đều phải gửi ra Hà Nội để sửa chữa, nếu nhanh cũng mất vài tuần, chậm có khi cả tháng mới sửa chữa xong. Một số chuyên gia cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần vào cuộc để xác định lỗi thuộc về ai khi cung cấp các thiết bị cho các trạm cân không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên sự cố đó chỉ là một phần, còn nguyên nhân chủ yếu là sau khi kết thúc Kế hoạch 12593 của liên Bộ Giao thông Vận tải - Công an, các lực lượng phối hợp như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự đã rút đi, chỉ còn lực lượng thanh tra giao thông đảm nhiệm. Ông Huỳnh Ninh Thạch - Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết, chỉ lực lượng thanh tra giao thông sẽ rất khó thực hiện, vì thế không thể duy trì hoạt động của trạm cân.
Từ phân tích trên cho thấy việc duy trì hoạt động trạm cân tải trọng xe là hết sức cần thiết. Để đáp ứng tình hình mới, thiết nghĩ cần phải linh động sử dụng nhiều biện pháp để kiểm soát tải trọng xe. Trước hết, lực lượng thanh tra giao thông cần tiếp tục triển khai hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng tải xe lưu thông tại các vị trí trên các tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông Vận tải ủy quyền quản lý. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tải trọng, đồng thời tăng cường tập trung kiểm tra xử lý đối với các hành vi xếp hàng, chở hàng quá trọng tải trong và ngoài khu vực các cảng, mỏ vật liệu, kho hàng, các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Đối với lực lượng công an tuy không còn tham gia trực tiếp vào xử lý tải trọng tại trạm cân cố định của tỉnh, nhưng với trách nhiệm của mình cần sớm lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống cân tải trọng được Bộ Công an trang bị tại Trạm kiểm soát giao thông Hàm Tân. Đồng thời lực lượng cảnh sát giao thông, công an các huyện, thị, thành phố trang bị, sử dụng cân xách tay khi tuần tra, kiểm soát lưu động để xử lý xe quá tải ở các tuyến đường tỉnh, đường huyện, giao thông nông thôn.
Được biết, hiện nay Bộ Giao thông Vận đang có kế hoạch triển khai Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định tại Km 1661+600 (Sông Lũy, Bắc Bình). Hy vọng với việc đưa trạm cân cố định này đi vào hoạt động sẽ thay thế trạm cân cũ, ngăn chặn hiệu quả việc lưu thông xe quá tải trên quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh. Để sớm đưa trạm cân này vào hoạt động, với trách nhiệm của địa phương, Sở Giao thông Vận tải cần chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND huyện Bắc Bình tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các phần việc của địa phương khi Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng trạm cân trong thời gian tới.
THẾ NAM