Nghề thu mua tôm hùm con cũng theo đó hoạt động cung cấp cho các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản. Bởi tôm hùm không giống như các loài sinh vật biển và nước ngọt khác, chỉ sống thoải mái trong tự nhiên mới sinh sản, còn nuôi trong lồng để nhân giống thì không.
“Bẫy” tôm hùm con
Mùa tôm hùm sinh sản năm nay cũng như năm trước, ông Nguyễn T. ở phường Mũi Né là một trong số hơn 10.500 lao động biển trên địa bàn TP. Phan Thiết, ngày nào cũng dậy sớm vào mỗi rạng sáng chuẩn bị ra khơi. Dù biết nghề của mình bị cấm hoạt động vì liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn giao thông trên biển… Nhưng nghề này cho thu nhập cao với tiền triệu sau mỗi lần ra khơi nên ông vẫn lén lút đánh bắt.
“Bẫy” tôm của ông là tấm lưới xanh dài khoảng 60cm được gấp lại hai, ba lần thành búi rồi cột với dây dài hơn 1 m với cục san hô phía dưới (gọi chung là đùm). San hô được khoan nhiều lỗ nhỏ. Các bẫy được cột vào một sợi dây dài hàng trăm mét, bẫy cách bẫy chừng hơn 1 m và ở vị trí mỗi bẫy được gắn các phao nổi. Khi thả bẫy xuống biển, tôm sẽ bám vào lưới sau đó men theo lưới di chuyển xuống chui vào cục san hô để ẩn nấp. Khi kéo bẫy lên, ông T chỉ cần tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ, tôm con sẽ rơi ra. Sau đó bỏ tôm vào thùng hoặc chai, lọ nước biển đem vào bờ.
“Nghề này cũng vô chừng, ngày có ngày không, có khi bẫy bán được tiền triệu cũng có khi tiền trăm. Có năm tôi bẫy bán được cả chục triệu đồng”, ông T. vô tư nói.
Và bán cho người thu mua
Một nhóm 4 - 5 người chụm đầu lại dưới tán dừa xanh mát ở ven biển phường Mũi Né say sưa đếm tôm, cả thảy có 24 con. “Mấy con đầu bò, mấy con xanh...”, một người trong nhóm nhẩm tính rồi bảo đứa em móc túi trả 1,35 triệu đồng cho anh T. Người ấy tên Ph. trong giới thu mua tôm hùm giống của ngư dân khu vực ven biển từ Hàm Tiến đến Mũi Né. “Em thu mua bán cho các cơ sở nuôi ở tỉnh Phú Yên. Ở đây có nhiều người thu mua, mối của ai người nấy mua, nghề nào cũng có quy luật riêng”, Ph. chia sẻ khi tưởng tôi là du khách.
Ph. khiến tôi nhớ đến một diễn đàn “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm ở các tỉnh miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với tỉnh Phú Yên tổ chức cách đây 7 năm, được một số tờ báo dẫn lại. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam tập trung ở một số tỉnh miền Trung ven biển. Trong đó, Phú Yên là tỉnh có số lượng lồng nuôi tôm hùm cao nhất với gần 22.600 lồng. Tuy nhiên, điều đáng lo là tình trạng khan hiếm tôm hùm giống hiện đang diễn ra. “Mỗi năm, cả nước khai thác được từ 7,5 - 9 triệu con tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống rất cao, đến 350.000 đồng/con. Việt Nam phải nhập tôm hùm giống từ các nước trong khu vực”. Tiến sĩ Võ Văn Nhã, chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng III (Bộ NN-PTNT) cho biết.
Mỗi con Ph. kiếm lời khoảng 3.000 - 5.000 đồng vì đây là mức quy định chung, chủ yếu nhờ số lượng lớn. “Tùy theo năm có năm mua được cả ngàn con, một ngày cũng lời được vài trăm ngàn đồng. Năm nay giá hùm bông 100.000 đồng/con, hùm xanh 50.000 đồng/ con, không có tôm để thu mua”, Ph. tiếp tục chia sẻ trong lúc chờ ngư dân khác mang tôm đến bán. Cả ngày hôm ấy Ph. mua hàng chục con của vài ngư dân. Trong đó, tôi thấy có người bẫy được 4 con gồm cả tôm hùm xanh trong suốt như pha lê, với tổng số tiền 300.000 đồng. “Những năm trước mặt biển dày đặc bẫy, năm nay không có tôm nên ít người đi bẫy”, một ngư dân nói.
Cảnh mua bán tôm diễn ra chóng vánh không kì kèo, vừa đếm vừa phân loại từng con rồi tính tiền. Số tôm mua ấy Ph. bỏ vào chiếc hũ nhựa nhỏ có gắn thiết bị tạo khí cho tôm sống và xuất đi ngay trong ngày.
Không dễ bỏ nghề
Rời điểm thu mua của Ph. tôi đến các điểm khác cũng thấy không khác hơn, họ liên hệ với nhau bằng điện thoại và hẹn nhau khi có tôm bán. Ngày nào cũng như ngày nào trong mùa tôm sinh sản, cả ngư dân và người thu mua như thế. Họ cho rằng có cung thì mới có cầu, nghĩa là có người thu mua thì có người cung cấp bất chấp lệnh cấm bẫy tôm. Lệnh cấm xuất phát từ nhiều yếu tố bao gồm phát triển du lịch. Ông Pascal Lefebvre - chủ 2 cơ sở nghỉ dưỡng ở phường Hàm Tiến và Mũi Né từng chia sẻ chứng kiến cảnh du khách té ngã gãy chân khi chơi lướt ván diều vướng vào bẫy tôm hùm.
Sở NN & PTNT chỉ đạo cho Thanh tra Thủy sản phối hợp với các đồn biên phòng ven biển quản lý chặt và xử lý nghiêm những người bẫy tôm hùm con trái phép. Năm 2015, chỉ sau 2 tháng tổ kiểm tra liên ngành của TP.Phan Thiết đã tháo dỡ hơn 15.000 bẫy tôm hùm từ biển Hòn Rơm kéo dài đến vùng biển xã Tiến Thành. Năm 2016, UBND TP. Phan Thiết cũng ban hành Quyết định số 07 quy định về khu vực cấm nghề bẫy tôm hùm con trên vùng biển Phan Thiết. Dù vậy, qua kiểm tra trên các vùng biển từ phường Mũi Né đến xã Tiến Thành hiện có một số hộ không chấp hành quy định cấm nghề bẫy tôm hùm con. Trước tình trạng, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã ven biển khẩn trương kiểm tra, triển khai tháo dỡ tất cả các bẫy khai thác tôm hùm con trên vùng biển do địa phương quản lý.
Phường Mũi Né là trong số đó, năm nào cũng lên kế hoạch kiểm tra, xử lý tháo dỡ bẫy khai thác tôm hùm, tốn kém nhiều tiền thuê tàu và nhân lực. “Năm 2021 chúng tôi tiếp tục thành lập 4 tổ công tác gồm tổ dưới biển, trên bờ, hậu cần và tổ trực tại UBND phường để kiểm tra, tuyên truyền, tháo dỡ, giải quyết khiếu nại trong quá trình xử lý”, lãnh đạo UBND phường Mũi Né chia sẻ.
Vì cho thu nhập cao đều hơn hẳn nghề bờ như du lịch, thợ hồ... và những nghề khác nên ngư dân không dễ từ bỏ khi cuộc sống của họ khó khăn. Chính vì vậy, nạn bẫy tôm hùm con luôn nhức nhối. “Mặt biển ven bờ, người ta xí phần hết rồi, nếu chị muốn đặt bẫy phải xin phép”, anh Trường, thợ lặn ở biển Mũi Né nói. Cần phải có chiến dịch tuyên truyền mạnh hơn nữa mới mong ngư dân nhận thức đầy đủ bảo vệ tôm hùm và môi trường du lịch biển an toàn, thân thiện.
Tôm hùm con hay còn gọi tôm hùm giống có nhiều loại gồm đầu bò, xanh và bông, trong đó hùm bông đắt nhất, có thời điểm 300.000 – 400.000 đồng/con, hùm xanh khoảng 40.000 – 50.000 đồng/con.