Theo dõi trên

Tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở Sa Lôn

11/05/2023, 05:52

Những thước phim tư liệu, hiện vật, bia tưởng niệm… cùng với những câu chuyện kể của cán bộ, chiến sĩ từng công tác trong thời chiến ở Sa Lôn đã tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

z4251526628898_d17b02c4180513384ba63c93ae83ad17(1).jpg
Những câu chuyện "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” được tái hiện về.

“Sống lại” phút sinh tử

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi may mắn đi theo đoàn về nguồn của các cô, chú trong Ban liên lạc truyền thống Văn phòng Khu ủy Khu VI đến Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận tại Sa Lôn ở Đông Giang – xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc. Nơi mà trước đây, các cô, chú là những cán bộ, chiến sĩ từng một thời công tác và chiến đấu, chôn dấu bao kỷ niệm.

Được nghe nhiều câu chuyện về chiến tranh, cả những lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” từ các cô, chú, đó là may mắn với tôi, người sinh ra thời bình không biết mùi khổ đau của chiến tranh, khi những nhân chứng sống lịch sử đang dần đi xa, trở về thế giới bên kia.

“Nhận được thông tin về thăm lại Khu ủy Khu 6 ở Sa Lôn của Ban liên lạc bà mừng lắm. Đây là nơi bà từng làm việc và chiến đấu, nhiều đồng đội đã ngã xuống. Lúc đó bà nói với anh, chị em nếu địch phát hiện ra mình thì cứ chạy cho nó bắn, còn hơn để nó bắt sống tra tấn đau đớn...”, bà Đoàn Thị Thu (86 tuổi), người Bình Thuận, nguyên cán bộ Văn phòng Khu ủy Khu 6 hiện đang sống ở quê chồng Bình Định nhớ lại.

z4251526625768_bb19e51df2f7ba4ff49801645bda4284(1).jpg
Bà Đoàn Thị Thu vui mừng được gặp lại đồng đội.

Câu chuyện ấy không phải duy nhất mà rất nhiều trên những chiếc xe 4 bánh lớn, nhỏ chở gần 200 thành viên của đoàn. Và càng “sống dậy” hơn khi đoàn tiến vào lòng Sa Lôn, nơi đổi thay khá nhiều, với nhiều công trình của khu di tích. “Nhớ đồng đội của chú quá! Lúc đó nhiều người hy sinh không phải vì đánh giặc mà lo ăn, lo thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện phục vụ Khu ủy Khu 6. Đói cơm lạt muối, có những lúc hơn 1 tháng mà không có hạt cơm, hạt muối nào. Anh em làm việc ở Khu ủy chủ yếu ăn khoai mì, gạo và muối, nhưng... rất quý. Những lúc địch bắn phá ác liệt, ban đêm phải xuống hầm thắp sáng bằng củi ngo làm việc, ăn bằng lá cây qua ngày, đau bụng tiêu chảy, nhiều anh em chịu không được chết vì đói…”, ông Nguyễn Văn Nam – nguyên cán bộ Khu ủy Khu 6 hiện sinh sống ở TP.HCM nghẹn ngào kể lại giây phút sinh tử của mình và đồng đội.

c0098t01.jpg
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn xem lại phim tư liệu nhớ về thời thanh xuân cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Ảnh Ngọc Lân

Ấm lòng

Dù vậy, các cô, chú cảm thấy ấm lòng hơn khi nơi mình từng một thời “nằm gai nếm mật” đã được phục dựng trở thành khu di tích để giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống yêu nước... Nhiều thế hệ trẻ Bình Thuận xem nơi đây là “địa chỉ đỏ” tìm về tham quan, nghiên cứu di tích lịch sử. Họ không chỉ là những cán bộ, công chức mà còn là học sinh, sinh viên đến đây vào ngày lễ truyền thống như 26/3 – Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng “Giữ trọn lời thề đảng viên” đang diễn ra trên toàn tỉnh, nhiều cơ quan, ban ngành cũng chọn nơi đây để sinh hoạt.

c0062t01.jpg
Trở thành "địa chỉ đỏ" đặc biệt của thế hệ trẻ. Ảnh N.Lân

“Hôm nay trở về đây, thấy đoàn viên thanh niên, các cháu học sinh của các cơ quan, trường học sinh hoạt Đoàn, Đội nhân Ngày thành lập Đoàn 26/3, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Nếu không có khu di tích này, thì các cháu chẳng biết được ông cha mình ngày xưa đánh thắng Mỹ gian khổ như thế nào”, ông Trần Đạt – Phó Ban liên lạc truyền thống Văn phòng Khu ủy Khu VI cũng như nhiều thành viên trong đoàn chia sẻ. Ông mong rằng chính quyền địa phương duy trì, phát huy hiệu quả di tích cách mạng, góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tạo động lực thúc đẩy quê hương, đất nước phát triển. Bởi để có hòa bình, tự do, ấm no như hôm nay đã phải đổi bằng máu, xương, tuổi thanh xuân, những hy sinh, mất mát.

Ông Lê Chí Phương - Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Văn phòng Khu ủy Khu VI nói với thành viên trong đoàn: Văn phòng Khu ủy Khu VI có 61 liệt sĩ trong tổng số hơn 100 biên chế. Trong đó, có 27 liệt sĩ của 2 đơn vị cảnh vệ và thông tin vô tuyến điện anh hùng. Cuộc họp mặt không chỉ giao lưu tình cảm mà còn là cuộc sinh hoạt chính trị ôn lại truyền thống, giữ vững lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cũng như hưởng ứng đợt sinh hoạt “Giữ trọn lời thề đảng viên” mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Trên quê hương Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc anh hùng có di tích lịch sử cách mạng - Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sa Lôn. Với diện tích gần 11 ha, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy ở Sa Lôn vừa là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân và thế hệ trẻ, vừa là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở Sa Lôn