Theo dõi trên

Tâm lý “cơ hội” và văn hóa mua bán

19/12/2022, 15:05

Tháng trước, trong các hội nhóm du lịch Phan Thiết – Mũi Né lại có khách phàn nàn việc mua phải hải sản “đểu” ở Làng chài Mũi Né. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, không phải cân điêu, thì hải sản “dỏm”, vô tình làm cho bức tranh văn hóa, văn minh đô thị của Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng bị xuống sắc ít nhiều. Có thể thấy, cung cách kinh doanh, mua bán của một số người hiện nay cũng là một thách thức lớn trong việc hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

Không kể đến 2 năm dịch, những năm gần đây, du lịch Bình Thuận đã có những bước phát triển đáng kể, lượng khách đến Bình Thuận nghỉ dưỡng năm sau luôn đông hơn năm trước. Trên cái nhìn tổng thể, Bình Thuận đã đón khách du lịch trong vai một chủ nhà trọng thị, chu đáo, nhiệt tình… và đã để lại trong lòng khách phương xa những ấn tượng đẹp về một thành phố biển với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và “thiên đường nghỉ dưỡng” tuyệt vời...

bien-da-ong-dia-phan-thiet-anh-nl-2_7d4adc66ae375e8a8484416a37ee5416.jpg
Khu bãi đá Ông Địa (ảnh: N. Lân)

Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những mảng xám không đáng có, khiến những người làm du lịch chân chính ảnh hưởng theo. Điển hình nhất là tình trạng cân điêu ở làng chài Mũi Né, dù ngành chức năng đã rất quyết liệt, có nhiều giải pháp căn cơ, nhưng thỉnh thoảng khách vẫn “dính bẫy” khiến niềm tin cũng như chuyến đi chơi mất điểm, không trọn vẹn. Chưa hết, nếu đi ngang khu vực Đồi Hồng hay bờ kè Hàm Tiến vào dịp cuối tuần, lễ, tết, nhiều khách du lịch rất ái ngại khi đi ngang các “phố vẫy”. Hầu hết các quán ăn uống nơi đây đều cho nhân viên đứng hẳn ra phần làn xe chạy để vẫy đón khách. Du khách không còn cảm thấy thoải mái khi bỗng nhiên bị lôi kéo, giành giật như một “miếng mồi” bước vào các phố ăn uống, các chợ trung tâm thành phố thậm chí chỉ là giữ xe.

1ee072e2f41935476c08.jpg
6c235e3dd8c6199840d7.jpg
Thái độ phục vụ ở các chợ truyền thống được nhận xét là niềm nở hơn trước

Nhắc đến văn hóa mua bán ở chợ truyền thống, dân địa phương còn e ngại nói gì đến du khách. Làm sao có thể thoải mái mua sắm, lựa chọn những món hàng, những món ăn mà mình yêu thích khi bên tai cứ léo nhéo lời mời chào, thậm chí còn bị nắm tay lôi vào cửa hàng. Một số quầy sạp còn bán hai giá trên một sản phẩm. Một giá cho khách địa phương, một giá cho khách du lịch theo kiểu bán 1 lần rồi thôi, nên thấy khách “sộp” thì hét giá cao hơn chút. Cái tâm lý “cơ hội” này như hạt sạn làm du khách chỉ dám dạo 1 vòng, thích lắm thì hỏi giá, chứ không dám trả, vì trả cỡ nào cũng bán! Dù ngành chức năng, Ban Quản lý chợ đã chấn chỉnh rất nhiều, nhưng tình trạng tranh giành khách ở chợ vẫn còn rơi rớt đâu đó, giá cả vẫn chưa thống nhất, chưa niêm yết. Thái độ phục vụ ở các chợ được nhận xét là niềm nở hơn trước, bớt chèo kéo, hét giá nhưng vẫn tiết kiệm sử dụng 2 tiếng cảm ơn, xin lỗi, vẫn chưa tạo được điểm nhấn đặc biệt cho thành phố du lịch… Những năm gần đây, ở các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia… giá sản phẩm ở các chợ đã đồng nhất, niêm yết rõ ràng, nên việc mặc cả không còn xảy ra, thuận mua vừa bán và du khách cảm thấy rất thoải mái khi vào chợ truyền thống. Thậm chí, khách có thể mặc sức xem, thử… rồi không mua gì vẫn được “khuyến mãi” 2 chữ cảm ơn và nụ cười tươi rói.

13.jpg
Kiểm tra tình trạng cân thiếu hải sản ở làng chài Mũi Né

Bình Thuận chưa đến mức nổi danh với “bún mắng”, “cháo chửi, “ốc lắm mồm”... như ở nơi khác, nhưng vẫn còn kiểu phục vụ cộc lốc, thái độ chưa thân thiện, người bán hàng còn nặng nhẹ khi khách mua mở hàng, nói thách, mặc cả… Những khuyết điểm tuy nhỏ ấy, lại là một rào cản trong văn hóa hội nhập, dù có thể đó là nét văn hóa mua bán lâu đời của người Việt. Muốn chấn chỉnh tình trạng này, các nhà quản lý cần phải đào tạo nhân viên bán hàng đạt chuẩn văn hóa, phạt nặng hành vi chặt chém, cân điêu bán thiếu, tẩy chay các địa chỉ bán hàng phi văn hóa… Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng, du lịch tỉnh nhà phải có giải pháp cứng rắn hơn để những tình trạng xấu xí trên không lặp đi lặp lại, hướng đến mục tiêu chung “thành phố du lịch thân thiện, nghĩa tình”.

img_3409.jpg
Khách Tây trong 1 lần vào chợ

Một trong những nguyên tắc vàng trong kinh doanh là xem “khách hàng là thượng đế”, đi ngược lại nguyên tắc ấy là đi ngược lại văn minh thương mại. Nhiều người cho rằng, thông qua lối ứng xử trong mua bán có thể đánh giá trình độ văn hóa của một đất nước. Nghe có vẻ thiển cận, nhưng lại là vấn đề nóng bỏng hiện nay không riêng gì Bình Thuận mà các tỉnh, thành du lịch khác đang nỗ lực thực hiện trong thời kỳ hội nhập, cùng nhau xây dựng hình ảnh một Mũi Né thân thiện, nghĩa tình, một Bình Thuận giàu lòng mến khách và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết kiểm tra tình trạng cân thiếu ký hải sản tại Làng chài Mũi Né
BTO - Sáng nay 26/4, Đoàn kiểm tra liên ngành TP. Phan Thiết đã kiểm tra tình trạng cân thiếu ký hải sản tại Làng chài Mũi Né – phường Mũi Né để đảm bảo việc buôn bán hải sản không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Mũi Né.
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm lý “cơ hội” và văn hóa mua bán