Theo dõi trên

Tâm sự đôi điều đổi mới dạy học

29/12/2023, 05:58

Thỉnh thoảng tôi có gặp thầy cô giảng dạy môn ngữ văn của tỉnh và nghe được bao tâm sự về đổi mới Chương trình 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nói rằng đã một năm rưỡi thực hiện chương trình ở cấp trung hoc phổ thông, mới thì rất mới, nhưng mọi việc đều ngỡ ngàng, chưa biết sẽ về đâu!

Khi nghe chuyện, hầu hết quý thầy cô đều có những nhận xét rất giống nhau. Với cách đổi mới dạy – học và kiểm tra đánh giá hiện nay, khi nghe thầy cô giảng bài, đa số học sinh không mấy quan tâm đến việc ghi chép. Nhiều em đến cuối tiết học không ghi chữ nào vào vở. Tôi hỏi thế lấy gì để các em học. Thầy cô cười, chúng biết thầy cô giảng bài trong sách giáo khoa (SGK), nhưng khi ra đề kiểm tra không sử dụng ngữ liệu trong sách đã học, có lẽ thế nên chúng nghĩ ghi chép vào vở chẳng để làm gì.

tiet-hoc.jpg

Thấy tôi có vẻ ngờ ngợ, một thầy giáo chuyển cho tôi xem Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Trong đó, mục 2, ghi cụ thể: Đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn ngữ văn: “Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe”. “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Tôi hỏi về việc tìm ngữ liệu mới. Thầy cô đều nói, lấy ngữ liệu ngoài SGK đang dạy để ra đề kiểm tra lúc đầu rất vất vả, nhưng sau thống nhất, lấy một ngữ liệu tương đương cùng thể loại của cùng tác giả, như tác phẩm của Nguyễn Khuyến đưa vào SGK là bài Câu cá mùa thu (Thu điếu), khi ra đề kiểm tra thì chọn bài cùng thể loại thơ là Chốn quê của ông. Có tổ văn thì lấy văn bản trong bộ SGK khác để ra đề. Một cô tổ trưởng cười trao đổi, tổ văn trường em dạy bộ Cánh diều, khi ra đề kiểm tra thì lấy ngữ liệu trong bộ Chân trời sáng tạo hoặc Kết nối tri thức và ngược lại với các trường bạn cũng thế. Ở tỉnh mình mỗi trường chọn một bộ trong ba bộ sách trên. Lấy ngữ liệu trong các bộ sách ấy ra đề thấy yên tâm vì đã được ban biên soạn chọn lựa kỹ và đã qua thẩm định trước khi xuất bản. Miễn không “dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh” như chỉ đạo của Bộ là được, chứ lấy ngữ liệu bên ngoài lỡ có sai sót gì thì bị chê bai thêm phiền. Tư liệu trong SGK đang dạy trên lớp chỉ dùng kiểm tra không định kỳ. Cô nói, với yêu cầu giảng dạy bây giờ, giáo viên không có điều kiện đi sâu vào phân tích bình giảng cái hay cái đẹp trong tác phẩm văn chương như trước. Những thầy cô nào tinh tế thì tìm cách gợi ý để học trò tự tìm hiểu, nhưng những học trò thích bộ môn nó mới quan tâm, chứ nó không thích thì bài giảng trôi tuột như nước đổ lá khoai.

Từ hiện tượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học thoát ly hoàn toàn các văn bản trong SGK đã học, đa số học sinh không mấy quan tâm về việc ghi chép, gợi tôi nghĩ về giá trị tính hữu ích thiết thực của bộ sách buộc mỗi học sinh phải mua để học. Việc ra đề kiểm tra đánh giá năng lực sáng tạo học sinh, tránh đọc chép, học thuộc theo bài mẫu để làm bài là rất cần thiết. Nhưng đáp ứng được yêu cầu đó không hẳn chỉ chọn ngữ liệu ở ngoài SGK đã học để ra đề, mà nó tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi, bởi một tác phẩm có thể đặt ra hàng chục câu hỏi có nội dung khác nhau để yêu cầu học sinh làm bài.

Một cô giáo tổ trưởng tỏ ý phiền hà rằng việc chỉ đạo hướng dẫn ra đề kiểm tra đánh giá năng lực học sinh của Bộ cứ thay đổi xoành xoạch về hình thức cấu trúc đề. Năm 2022, Bộ triển khai chuyên đề ra 1 đề kiểm tra kết hợp cả 2 hình thức: trắc nghiệm khác quan với tự luận. Tôi nói cấu trúc đề kiểu này đã thực hiện lâu rồi, khi triển khai thay sách từ năm 2000 kia. Cô giáo cười, nhưng qua năm 2023 này, Bộ lại tập huấn bỏ hình thức ra đề kết hợp trắc nghiệm với tự luận, mà chuyển hẳn về cách ra đề chỉ bằng hình thức tự luận, song chẳng nêu lý do vì sao phải thay đổi như vậy để đúc rút kinh nghiệm.

Hôm chủ nhật rồi, tôi gặp một thầy giáo, cũng nói về việc học của học sinh hiện nay, rằng khi giao đề tài về nhà để làm bài thuyết trình, đa số học sinh thích thú và làm bài rất tốt. Chúng vào mạng tìm tư liệu để xây dựng clip trình chiếu chứng minh, phân tích khá công phu, phong phú, không chỉ ở bộ môn ngữ văn mà nhiều bộ môn khác cũng vậy. Nhưng điều đó thuận lợi cho học sinh thành phố, chứ học sinh nông thôn hay các vùng sâu, vùng xa thì sẽ rất thiệt thòi vì thiếu thiết bị công cụ sưu tầm, học tập. Thầy cười nhìn tôi, đó chỉ là cái nhìn ban đầu, còn đánh giá kiến thức học tập lâu dài về sau của học sinh sẽ đi về đâu còn chưa biết được!

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sôi nổi chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Đoàn tuyển sinh Trường Đại học Phan Thiết (UPT) đã tổ chức chương trình Tư vấn hướng nghiệp năm 2024 và lễ kết nghĩa tại Trường THPT Tuy Phong. Đoàn tuyển sinh UPT gồm có PGS.TS. Đinh Phi Hổ - Phó Hiệu trưởng, cùng trưởng, phó các phòng, khoa. Trường THPT Tuy Phong có cô Nguyễn Thị Thiêng Liêng – Chủ tịch Công đoàn trường, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và toàn thể học sinh khối 10, 11, 12 trong nhà trường.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tâm sự đôi điều đổi mới dạy học