Trong tương lai khoảng 1/4 thế kỷ nữa, Bình Thuận sẽ trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế… Quy hoạch quan trọng này là định hướng để Bình Thuận kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư lớn. Dự kiến sắp tới tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Nếu so sánh với các Hội nghị xúc tiến đầu tư trước đây, thì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận sắp tới đây có nhiều cơ hội hơn hẳn. Trước tiên là Quy hoạch tỉnh Bình Thuận đã có, giúp định hình, định hướng phát triển và gọi vốn đầu tư. Tiếp đến là các “điểm nghẽn” của Bình Thuận mà các nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều lần tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vào năm 2017 và 2019, tới nay đã được tháo gỡ. Đó là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã đưa vào sử dụng năm qua, rút ngắn thời gian đi lại từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng kinh tế động lực phía Nam đến Bình Thuận. Cao tốc không chỉ thu hút du khách, mà còn tạo cơ hội cho Bình Thuận thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch dọc 2 bên tuyến cao tốc đi qua, tạo ra nhiều việc làm, sinh kế cho nhân dân . Tuyến cao tốc này cộng với cảng biển Vĩnh Tân và sân bay Phan Thiết đang xúc tiến xây dựng, tạo thành “đường băng” cho kinh tế tăng tốc, cất cánh.
Một “điểm nghẽn” nữa được tháo gỡ, đó là ngày 1/11/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo Quyết định này, diện tích dự trữ titan của tỉnh Bình Thuận giảm còn 54.317 ha, đồng thời quy hoạch vùng dự trữ titan thành 12 khu vực, với thời gian thành 3 loại là 30 năm, 50 năm và 70 năm. Nhiều năm qua, hàng loạt dự án phát triển du lịch, đô thị, năng lượng tái tạo ở Bình Thuận bị tắc nghẽn, không thể triển khai được vì chồng lấn với quy hoạch titan. Bình Thuận đã kiên trì kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh quy hoạch này. Với quyết định này, Bình Thuận sẽ có thêm không gian phát triển và thu hút các dự án quy mô lớn ở ven biển, khi hàng ngàn ha đất đã được đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia; hàng ngàn ha đất khác được phép triển khai thực hiện các dự án trên bề mặt…
Còn để tháo gỡ “điểm nghẽn” về con người, cụ thể là tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đẩy qua đẩy lại giữa các cơ quan chức năng, khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian khi làm các thủ tục hành chính. Năm 2024 tỉnh Bình Thuận chọn chủ đề hành động là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, phấn đấu cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS… tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Đặc biệt, để tận dụng được thời cơ tốt, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng quê hương giàu đẹp, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết: Năm 2024, Bình Thuận sẽ thay đổi phương thức tiếp cận, chuyển “trạng thái” từ chỗ “chờ” nhà đầu tư đến “xin” để “cho”, sang săn đón, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, tâm huyết đến Bình Thuận làm ăn.