Anh bạn đồng nghiệp đã giã từ viên phấn nghỉ hưu ngót mười năm rồi, một lần tâm sự, bây giờ nhìn thời gian trôi qua trên mái tóc hai phần ba sợi bạc, có hai thời điểm làm anh thấy lòng rạo rực một nỗi khôn nguôi, đó là ngày nghe tiếng trống khai trường và ngày bế giảng năm học – tổng kết, nghỉ hè. Lúc ấy không biết bao hình ảnh hiện về trong vùng trời ký ức buồn vui nửa thực nửa mơ, giống như sự rực rỡ thắm tươi và héo tàn rơi rụng của mùa hoa phượng. Anh nói học trò chỉ cùng một khóa ở trường phổ thông, nhưng khi vào đời ngã rẻ muôn phương.
Anh trầm ngâm nhớ lại, mùa hè năm ấy – cái thời bao cấp, ra bến mua vé lên chuyến xe đò vào thành phố thăm người bà con. Vừa ngồi xuống ghế thì một học trò nam sà đến chào hỏi và ngồi sát bên cạnh. Thế là có người đồng hành trên chuyến xe chật chội chạy trên con đường có nhiều ổ gà vồng xóc lắc lư. Xe chạy đến căn cứ, nơi có trạm kiểm soát – thời bao cấp – cái thời ngăn sông cấm chợ đó, họ soát kỹ lắm. Yêu cầu mọi hành khách xách hành lý xuống xe. Cậu học trò chộp lấy cái xách của tôi, nhảy xuống trước, ngoái đầu nhìn lại, nhờ tôi xách cái giỏ hành lý của cậu xuống giùm. Khi mọi người để hành lý xuống đất ngồi chờ đợi, anh cảnh sát đến yêu cầu cậu học trò mở cái xách của tôi ra, anh lật qua lật lại chỉ thấy áo quần và vài cuốn sách. Anh tiếp tục soát của người khác rồi cho lên xe. Song cái túi xách của cậu học trò trước mặt tôi anh không đá động đến. Khi lên xe ổn định chỗ ngồi, cậu học trò nói em rất cảm ơn thầy. Tôi ngỡ ngàng hỏi cảm ơn cái gì. Cậu chỉ vào cái xách: mực khô trong đó. Nếu cảnh sát phát hiện không những bị tịch thu mà còn phạt nữa. Nghe thế, tôi sởn tóc gáy. Nhìn cậu học trò hết sức bực mình: Sao em lại giao cái của nợ này cho thầy, lỡ cảnh sát phát hiện thì sao? Đã thế nó còn nhe rằng cười hềnh hệch như không có gì: Em biết, nhìn phong độ của thầy họ không nghi ngờ đi buôn đâu. Còn bản thân em đi lại nhiều lần nên họ nhẵn mặt ra rồi. Đi được một chuyến thế này em chi phí cho gia đình cũng được mươi ngày. Nghe thế tôi chỉ ngồi im lặng. Khi xe chưa đến bến, nó đã nhảy xuống trước, hình như có hẹn với ai đó. Cũng từ dạo ấy đến giờ, gần 40 năm, tôi cũng chưa một lần gặp lại, không biết cuộc đời nó ra sao! Anh nói tiếp, ba năm trước, gặp một cậu học trò lộc cộc trên chiếc xe đạp hơn 25 năm đi bán vé số dạo. Tuần rồi tình cờ gặp lại, nó nói thằng con đã tốt nghiệp đại học và xin được việc làm, nên không đi bán vé số nữa. Thấy tôi ngồi im lắng nghe, anh nói, buồn ông nhỉ, giống như Bạch Cư Dị trong Tỳ bà hành: “Nghe đàn ta đã chạnh buồn/ Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời,/Cùng một lứa bên trời lận đận”. Nhưng trong đó có rất nhiều học sinh đem lại cho gia đình và cả người thầy một niềm tự hào mỗi khi nhắc đến, có đứa nay là chuyên gia đầu ngành y học của nước nhà, có đứa lập thân bằng ngòi bút sắc bén trên con đường ngang dọc mọi miền, nhiều độc giả muốn được hàng tuần đọc bài của nó, cũng có em làm chủ tập đoàn kinh tế rất uy tín. Có em đã bước lên đài danh vọng nắm giữ quyền lực của một địa phương, của một ngành nghề nghiệp. Nó làm rực rỡ sáng lên như những đóa hoa vào mùa.
Nghe thế, tôi biết anh nói đến những đối tượng nào ở địa phương này, làm tôi cũng tự hào theo bởi trong đó cũng có những học sinh tôi đã từng dạy, nhưng cũng chạnh lòng nghĩ đến một vài học sinh của mình. Trước dịch Covid-19, tôi đi dự đám cưới con người bạn, khi ngồi ở bàn ăn, đôi vợ chồng trẻ nhìn tôi thân thiện chào và hỏi tôi còn nhớ họ không. Thật ra trí nhớ tôi quá kém, nên chỉ biết nói lời xin lỗi. Rồi họ giới thiệu mới biết cậu học trò ngày xưa bây giờ đã là chủ tịch thành phố. Hẹn một ngày đẹp trời nào đó gặp lại nhau. Thế rồi dịch Covid-19 bùng phát, nên chưa có được “ngày đẹp trời”. Đến khi dịch lắng xuống thì nghe tin cậu học trò vi phạm kỷ luật trong quản lý chỉ đạo, bị cách chức.
Tôi nói với anh, chỉ khi còn dưới mái trường, những năm cuối cấp luôn tìm cách hướng nghiệp để họ vào đời, chứ khi họ đã trở thành tư cách công dân có vị trí quyền lực điều hành trong xã hội, họ nằm ngoài xa tầm với, cũng như mình thôi, tự biết điều chỉnh những hành vi của chính bản thân. Đó là những năm tháng họ thực sự học hỏi ở trường đời để hành xử trên con đường lập nghiệp và cuộc đời sẽ giáo dục – dạy cho họ biết được thế nào là chân lý của giá trị nhân sinh.