Với đà tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Đó cũng chính là cơ hội để tự chủ hóa nền kinh tế, phát triển các ngành mũi nhọn, đưa đất nước tiến xa.

Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, với hàng chục triệu người đã tiến lên một “nấc thang kinh tế mới” - đó là nhóm trung lưu, khá giả. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang thuộc hàng nhanh nhất thế giới.

Với sự thay đổi như vậy, vấn đề phát triển Đảng trong nhóm cư dân khá giả, trung lưu là vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Zing thực hiện loạt bài về sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và câu chuyện phát triển Đảng trong nhóm dân cư đặc biệt này.

Với hơn 500 triệu trong tay sau khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về, chị Trịnh Thị Tuyết bàn với chồng mở một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu ở thị trấn Phú Xuyên (ngoại thành Hà Nội). Anh chồng phản đối. Anh nói rằng một thị trấn nghèo thế này lấy đâu ra người có tiền, mà lại bán nho Mỹ, táo New Zealand, lê Hàn Quốc...

Dù chồng phản đối, chị Tuyết nhất quyết lập nghiệp ở quê hương. Bằng nhãn quan của người từng ở nước ngoài, chị tin rằng khi thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, nhu cầu cuộc sống sẽ ngày càng lớn hơn, hoa quả nhập khẩu sẽ có khách.

Và đúng như vậy, cửa hàng đã duy trì đến năm thứ ba, và thậm chí ngày càng đông khách. Anh chồng bất ngờ khi chị Tuyết đã nhập thêm cả thịt bò Mỹ, vang Chile, bơ Pháp… về bán kèm. Chị nói cơ hội của mình có nhiều khi người dân đang giàu lên.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất châu Á, mỗi năm có thêm khoảng 1,4 triệu người. Dự báo trong 25 năm tới, một nửa dân số - nghĩa là hơn 50 triệu người Việt Nam - sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, nghĩa là bằng dân số Hàn Quốc ngày nay.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là minh chứng cho thành công phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam. Tầng lớp trung lưu đông đảo cũng là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, là cơ hội để chuyển mình cho nhiều ngành kinh tế quan trọng, đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia thịnh vượng, có nhu nhập cao vào năm 2045.

sub_1.jpg

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Ông cũng từng đến Việt Nam nhiều lần trong những năm 90 để tìm lại đồng đội mất tích, tham gia các hoạt động giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

Khi trở thành ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, ông đến Hà Nội và chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất bất ngờ về sự thay đổi của Việt Nam. Từ một đất nước nghèo vào những năm 90, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu ASEAN, trên đường phố ngày càng nhiều xe hơi, nhà cao tầng liên tục mọc lên, các thương hiệu xa xỉ ngày càng phổ biến…

“Mỗi lần đến Việt Nam tôi đều bất ngờ về sự thay đổi của các bạn”, ông từng chia sẻ.

Theo WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế nhanh, kéo theo giảm nghèo ấn tượng nhất trên thế giới. Đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%. Hàng triệu hộ gia đình của Việt Nam không chỉ thoát nghèo mà còn tiến lên một “nấc thang kinh tế mới” - đó là tầng lớp trung lưu.

quote_1.jpg

Hiện tại, hầu hết tổ chức nghiên cứu trên thế giới đều dựa vào mức độ chi tiêu để xếp loại một người có thuộc tầng lớp trung lưu hay không. WB định nghĩa hộ gia đình có mức chi tiêu trên 15 USD/người/ngày thuộc tầng lớp trung lưu (khoảng 345.000 đồng). Trong khi đó, OECD định nghĩa mức chi tiêu hàng ngày của hộ gia đình khoảng 10-100 USD/người (khoảng 0,23-2,3 triệu đồng)…

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2011-2019, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể, từ 7,8% dân số năm 2011 (tương đương hơn 6,8 triệu người) lên 20,2% năm 2019 (tương đương 19,5 triệu người).

Tính toán cho thấy giai đoạn 2014-2016, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, đến giai đoạn 2017-2019, con số này đa tăng lên khoảng 2,2 triệu người, cao hơn 700.000 người so với giai đoạn 2014-2016.

graphic_3.jpg

WB nhận định sự gia tăng tầng lớp trung lưu là nhờ đà tăng trưởng kinh tế cao, liên tục và ổn định mà Việt Nam đã đạt được.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, nhóm hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu có sự “an toàn về kinh tế”, có xác suất dưới 0,5% khả năng rơi trở lại nhóm nghèo. Trong số những hộ được xếp vào tầng lớp trung lưu, 75% có máy giặt, 98% sống trong nhà được xây bằng bê tông hoặc gạch, 55% trong số đó có phòng tắm riêng và bếp, 60% người lớn có trình độ sau trung học.

Nhóm này có thu nhập đủ cao để trang trải cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, vượt qua các cú sốc thu nhập, và vẫn còn lại đủ cho các chi tiêu bổ sung cần thiết.

Nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết trong thập kỷ qua, Việt Nam ở nhóm các nước tăng số người thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất thế giới. Cơ quan này dự báo Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030.

Theo tiêu chuẩn của tổ chức này, tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 đến 110 USD một ngày (khoảng 0,25-2,5 triệu đồng). Đến 2030, Việt Nam đứng thứ thứ ba tại Đông Nam Á về lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng thêm, sau Indonesia với 75,8 triệu người và Philippines với 37,5 triệu người.

anh_ghep_1.jpg
sub_2.jpg

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội vào cuối năm 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng - đã nhắc đến Hàn Quốc để nói về sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.

Ông dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc hiện nay - đất nước được ví von thuộc nhóm “4 con hổ châu Á”. Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình trên thế giới cho việc tận dụng triệt để sự gia tăng trưởng tầng lớp trung lưu để phát triển kinh tế quốc gia trong dài hạn.

Nhiều học giả trên thế giới thường nhắc đến Hàn Quốc và Brazil như 2 ví dụ điển hình về việc một quốc gia có thể tận dụng sự gia tăng tầng lớp trung lưu để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ. Nói cách khác tầng lớp trung lưu có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế quốc gia.

Theo đó, Hàn Quốc và Brazil là 2 quốc gia có tốc độ phát triển tương đương nhau trong những năm 1960, 1970, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,6% cho Brazil và 6,5% cho Hàn Quốc. Cả Brazil và Hàn Quốc đều đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào giai đoạn 1980.

Tuy nhiên, cơ cấu phát triển ở 2 quốc gia này là khác nhau. Nếu như Hàn Quốc được đặc trưng bởi có sự đồng thuận và phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, thể hiện qua việc hơn một nửa dân số của quốc gia này gia nhập tầng lớp trung lưu vào những năm 1980.

quote_2.jpg

Khi đó, nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa cao, cũng như tận dụng được lợi thế từ vốn tri thức trong nước để hội nhập cũng như leo lên các thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị, tạo ra lợi thế trong cung ứng dịch vụ và công nghệ chất lượng cao.

Kết quả là Hàn Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 thập kỷ liền sau. Ngày nay, hơn 94% dân số Hàn Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, và nước này là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Brazil không thể tạo ra sự chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên sự đổi mới, sáng tạo khi quy mô của tầng lớp trung lưu tại đây quá nhỏ.

Brazil có đặc trưng là mức độ bất bình đẳng cao, quy mô tầng lớp trung lưu nhỏ vào đầu những năm 1980 (chỉ chiếm khoảng 28% dân số cả nước), nhu cầu tiêu thụ nội địa giữ ở mức thấp trong những thập kỷ liền sau. Nước này cũng thiếu các kỹ năng cần thiết cho tăng trưởng sản xuất, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.

Do đó, tốc độ tăng trưởng của Brazil sau những năm 1980 thấp hơn Hàn Quốc rất nhiều. Và ngày nay, GDP bình quân đầu người của Brazil ít hơn một nửa so với Hàn Quốc. Trong khi đó, mức độ bất bình đẳng trong xã hội cao, đồng thời, tăng trường tầng lớp trung lưu chậm, nhóm này hiện nay chiếm chưa tới một nửa dân số Brazil.

Theo các học giả thế giới, tầng lớp trung lưu đóng vai trò quan trọng trong xã hội và được cho là động lực của tăng trưởng. Nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế trong thế kỷ 19 tại châu Âu và Vương quốc Anh chính là tầng lớp trung lưu đông đảo tại các quốc gia này.

Một trong những tác động tích cực của tầng lớp trung lưu tới phát triển và tăng trưởng kinh tế chính là tăng cầu tiêu dùng. Sức tiêu thụ của tầng lớp trung lưu toàn cầu trong năm 2020 có thể đạt tới 43.000 tỷ USD - và được coi là “nhóm tiêu dùng thống trị thị trường hàng hóa”.

Theo ThS Phan Văn Thanh, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa, Hà Nội), sự phát triển của tầng lớp trung lưu không chỉ có mối liên hệ tích cực, trực tiếp với tăng thu nhập bình quân đầu người, thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình tích lũy vốn nhân lực, giúp lan tỏa phát triển cả các lĩnh vực khác trong xã hội.

anh_ghep_2.jpg
sub_3.jpg

Có bằng kỹ sư công nghệ thông tin nhưng Văn Hoàng lại bén duyên với nghề bán ôtô tại một showroom ở quận Long Biên, Hà Nội. Hồi mới ra trường, Hoàng nghĩ sẽ làm tạm công việc này trong lúc chờ việc. Tuy vậy, Hoàng bất ngờ trở thành một trong những nhân viên bán tốt nhất, trong khi doanh số của showroom này cũng tăng 2 con số mỗi năm.

Hoàng chia sẻ khách mua ôtô ngày càng đa dạng, từ bác sĩ, kỹ sư, người mẫu, diễn viên đến cả những bạn trẻ lập trình viên ngoài 20 tuổi, làm việc cho những công ty công nghệ nước ngoài… Trung bình mỗi khách sẽ chi ra khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho một chiếc xe tại đây.

“Người Việt Nam ngày càng giàu hơn và ôtô như một sản phẩm thiết yếu vậy”, Hoàng nói.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết tiêu thụ ôtô ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần sau 10 năm. Nếu như năm 2010, các hãng xe chỉ bán được khoảng 100.000 chiếc thì đến năm 2020 đã bán được 300.000 chiếc. Tốc độ này khiến bất cứ hãng xe nào cũng ao ước chiếm lĩnh thị trường gần 100 triệu dân.

Theo OCED, thay đổi thói quen tiêu dùng là một trong những hình thái rõ ràng nhất để nhận biết tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Nếu như người nghèo và thu nhập thấp dành phần lớn khoản chi tiêu cho thực phẩm, thì người tầng lớp trung lưu lại chi nhiều hơn cho nhà cửa, xe cộ, tiêu dùng các sản phẩm tiện nghi, giáo dục, y tế, chăm sóc sắc đẹp… Tại Việt Nam, nhu cầu về xe tăng cao khiến những người bán như Văn Hoàng ngày càng ăn nên làm ra.

GS Lee Jong-Wha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, cho rằng các chính phủ phải tận dụng được những cơ hội từ tầng lớp trung lưu đông đảo hoàn toàn có thể vươn lên về kinh tế, phát triển những ngành kinh tế quan trọng như ôtô, công nghiệp điện tử, viễn thông, vậy liệu mới, công nghệ thông tin…

anh_giua_.jpg

Trước đây, khi Samsung, Honda hay Toyota.. còn chưa bước chân ra thế giới, sự gia tăng tiêu dùng nội địa từ tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc, Nhật Bản chính là cơ hội để những doanh nghiệp này lớn mạnh. Trung Quốc hiện tại cũng đang đi theo con đường này khi phát triển một loạt doanh nghiệp nội địa lớn mạnh dựa vào thị trường 1,3 tỷ dân, nơi có hàng trăm triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.

Đồng tình, PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam có gần 100 triệu dân, hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu đang vươn lên trở thành những thị trường quan trọng bậc nhất ASEAN và châu Á. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới coi đây là thị trường quan trọng để làm ăn, đầu tư, qua đó giúp Việt Nam ngày càng phát triển hơn.

Ông cũng nhấn mạnh tầng lớp trung lưu gia tăng là cơ hội để Chính phủ đưa ra các chính sác phát triển các ngành quan trọng cho đất nước như ôtô, điện tử tiêu dùng, cơ khí chế tạo, công nghiệp thời trang, điện ảnh, dịch vụ du lịch… Gần đây nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup đã gia nhập ngành sản xuất ôtô, Hòa Phát tiến đánh thị trường đồ điện tử gia dụng, Thaco gia nhập mảng bán lẻ…

“Đây đều là những ngành cạnh tranh rất gay gắt, nhưng các doanh nghiệp hiểu rằng cơ hội từ thị trường còn rất lớn, đặc biệt là hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu”, ông Tuấn chia sẻ.

Tận dụng thị trường nội địa với hàng chục triệu dân cũng là cách để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, tránh những cú sốc từ bên ngoài, theo PGS Bùi Quang Tuấn. Ông còn cho rằng tầng lớp trung lưu gia tăng còn giúp phát triển về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao…

Ông lấy ví dụ nếu thu nhập người dân không tăng, không có người đi ôtô, thì sẽ rất khó phát triển đường cao tốc, đường xá, cầu cống hiện đại. Nếu mức sống của người dân không tăng lên, không có nhiều người đi du lịch thì hàng không khó phát triển, khó có cơ hội xây dựng những khu nghỉ dưỡng hiện đại…

Nhu cầu của xã hội tăng cũng giúp kích thích phát triển các ngành giáo dục chất lượng cao, y tế chất lượng cao với mức chi trả lớn. Các gia đình cũng chi nhiều hơn cho giáo dục, văn hóa, thể thao… trình độ phát triển của đất nước sẽ đi lên, chỉ số phát triển con người được cải thiện.

quote_3.jpg

Đồng tình, ThS Phan Văn Thanh nhấn mạnh tăng trưởng của tầng lớp trung lưu không chỉ mang lại lợi ích cho chính những người thuộc tầng lớp này, mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội, trong đó có nhóm người nghèo.

“Tầng lớp trung lưu có thể coi là xương sống của xã hội, là nhân tố một mặt thúc đẩy kinh tế phát triển, mặt khác đảm bảo ổn định xã hội, gia tăng mối liên kết giữa các nhóm xã hội khác nhau. Tầng lớp trung lưu vừa là đầu vào, là nhân tố thúc đẩy, đồng thời là kết quả của sự phát triển”, ông chia sẻ.

Điển hình như cửa hàng bán trái cây nhập khẩu của chị Tuyết, khi cung cấp các sản phẩm cho người ở tầng lớp trung lưu, sinh kế của chính gia đình của chị cũng được cải thiện, giúp chị có thể giúp vươn lên một bậc thang kinh tế mới, gia nhập tầng lớp trung lưu. Những dịch vụ khác cũng sẽ ngày càng phát triển, và cơ hội cải thiện sinh kế cho hàng triệu người khác nữa.

anh_full.jpg

Bài liên quan
Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Phan Thiết nhiệm kỳ 2024 - 2029
BTO-Sáng 13/4, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên TP. Phan Thiết lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã long trọng tổ chức. Đây là đơn vị được chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện cùng với Hội LHTN Việt Nam thị xã La Gi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tầng lớp trung lưu và tương lai thịnh vượng của Việt Nam