Câu chuyện tăng lương, tăng giá là câu chuyện không còn mới mẻ. Dẫu biết rằng đến ngày 1/7/2023 mới chính thức tăng lương cơ sở, nhưng ngay từ bây giờ giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã “đội nón” tăng theo.
Lần đầu, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh, mức tăng tuyệt đối lên tới 310.000 đồng, tăng 20,8%. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400.000 đồng cho tới hơn 2.000.000 đồng/ tháng. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người hưởng lương, nhất là khi giá cả các mặt hàng có “dấu hiệu” tăng liên tục. Nỗi lo lương tăng, giá cả “đội nón” tăng theo lại hiện hữu với đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trên thực tế, mỗi khi Nhà nước đề xuất tăng lương thì giá cả thị trường đã “ào ào chạy trước”. Và như một lẽ tự nhiên, các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng; trong cuộc đua này đồng lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn “bị hụt hơi” trước biến động “bão giá” của thị trường.
Tại các kỳ họp Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, tăng lương cơ sở chỉ là giải pháp tình thế, còn lộ trình cải cách tiền lương mới là giải pháp căn cơ, cốt lõi, cần phải thực hiện sớm. Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở đó là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế có hiệu quả, chỉ số tiêu dùng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc “tăng nhanh hơn” mức tăng của lương.
Thông tin về việc tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công đã vừa mang đến niềm vui nhưng cũng đi liền với nỗi lo của không ít người hưởng lương. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế cho thấy, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại “leo thang” và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá.
Tăng lương là tín hiệu rất đáng mừng, thế nhưng nhiều người được hưởng lương lại buồn vui xen lẫn, bởi bao năm qua “giá-lương” cứ vờn đuổi nhau. Lương thì luôn chạy theo giá. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp cầm lương mới trên tay thì giá các mặt hàng đã tăng vọt, đời sống một bộ phận người lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể trước “bão giá”. Bởi thế mới xuất hiện câu nói vui nhưng chất chứa nỗi niềm trăn trở: “Lương tăng thực nhưng vẫn không vực được giá”.
Mức tăng lương tháng 7 tới đây là 20,8% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Quyết định tăng lương cơ sở trong thời điểm này là hợp lý, có ý nghĩa dù mức tăng chỉ mang tính chất động viên. Đây cũng là tiền đề để tiến tới thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, chảy máu chất xám. Tuy nhiên, thông tin về việc tăng lương từ ngày 1/7/2023 cũng mang đến cho nhiều người được hưởng lương những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt.
Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đóng vai trò then chốt. Đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người nghỉ hưu... cần thấu suốt quan điểm, chủ trương đúng đắn cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực thi chính sách tiền lương, bảo đảm cân đối các nguồn lực để thực hiện lộ trình tăng lương. Từ đó, tiếp tục đồng hành, sẻ chia với những khó khăn chung; tích cực trong công tác, chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.