Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi được tặng 3 ấn phẩm khá thú vị, rất vui và xem đó như là lộc, “lộc sách” đầu xuân.
Đầu tiên là cuốn “Một chút riêng tư” của nhà báo nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân, một trong những “ông vua” phóng sự. Sách lần này không phải là những bài phóng sự báo chí mà là một tập thơ được anh sáng tác trong thời gian Sài Gòn bị phong tỏa, cách ly, đầy đau thương do đại dịch Covid-19. Đặc biệt hơn là không chỉ cùng cả Sài Gòn chống chọi dịch bệnh mà bản thân Huỳnh Dũng Nhân phải từng ngày chống chọi với căn bệnh tai biến quái ác, bệnh chồng lên dịch, dịch chồng lên bệnh. Tập thơ “Một chút riêng tư” như đúng tên của nó, là một góc nhìn riêng của một nhà báo trong cơn đại dịch, khi Sài Gòn đau thương vì Covid-19 hoành hành, đau thương nhưng vẫn thắm đẵm tình người, lạc quan và hy vọng:
“Không dám mở cửa sổ
Sợ nghe còi cứu thương
Sáng không dám đọc báo
Sợ những tin bất thường…”
(Bài Một chút nao lòng)
“Mùa dịch vợ ra khỏi nhà
Dặn dò như thể sắp xa cả đời
Cách ly đã mấy tháng trời
Bên nhau ngó mặt riết rồi thành quen...”
(Bài Hôm nay vợ vắng nhà)
“… Giữa thời bình mà còn hơn cuộc chiến
Với kẻ thù giấu mặt kinh hoàng
Anh sẵn sàng như ngày nào chống lũ
Khoác ba lô, theo mệnh lệnh lên đường…”
(Bài Người lính trẻ lần đầu vào thành phố)
“… Mai hết dịch. Lời chào lúc chia tay
Đầy tin tưởng, lạc quan và hứa hẹn
Mai hết dịch. Xin cám ơn cuộc sống
Cho ta thêm tin yêu đất nước mỗi ngày”
(Bài Mai hết dịch)
Tập “Một chút riêng tư” ngoài hơn 30 bài thơ còn có in 200 chân dung văn nghệ sĩ, nhà báo… thân quen do Huỳnh Dũng Nhân ký họa cũng trong những ngày vừa chống dịch, vừa “chiến đấu” với căn bệnh tai biến. Sức lao động của anh thật đáng khâm phục, như anh tâm sự: “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”, “tận dụng từng phút cuộc đời, sống đúng nghĩa”.
Cuốn sách thứ 2 tôi được tặng là cuốn “Ở đời như một nhà thơ đông phương” của nhà thơ người Bình Thuận nổi tiếng - Nguyễn Bắc Sơn. Đây là tập thơ được anh Nguyễn Thái Bình, con trai ông tái bản lần thứ nhất từ Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn tái bản có nội dung và trình bày (tranh trang bìa của nhà thơ - họa sĩ Đỗ Trung Quân) được giữ gần như nguyên bản cuốn đầu tiên in năm 1995 của Nhà xuất bản Đồng Nai. Bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bắc Sơn lại có dịp thưởng thức những vần thơ độc đáo, hào sảng của ông:
“Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si”
(Bài Giai nhân và sách vở)
“Phật bảo đời người như bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu”
(Bài Cãi Phật)
“…Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi…”
(Bài Tình bạn và tình yêu)
Cuốn sách thứ 3 tôi được tặng là cuốn “Quê hương tôi” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN, đây là tuyển tập thơ của nhiều tác giả trong cả nước do nhà thơ Lương Túy Vân chủ biên. Trong số 120 tác giả trong cả nước có thơ trong “Quê hương tôi”, Bình Thuận góp mặt 4 tác giả (hiện đang sinh sống tại Bình Thuận), gồm Hồ Việt Khuê, Phan Anh Dũng, Mai Việt, Nguyễn Duy Sinh. Do khuôn khổ bài báo có hạn, chỉ xin giới thiệu vài khổ thơ của nhà thơ Hồ Việt Khuê và nhạc sĩ Phan Anh Dũng:
“…Ở bên núi hồn tôi xanh sắc núi
Thương cánh chim lạc bóng chân mây
Ở bên núi thèm mình là cây cỏ
Tâm hồn tôi - căn nhà trống gió đầy
…Ở bên núi đâu dễ thành cây cỏ
Bởi hồn tôi neo bến quê nhà
Ở bên núi có nhiều mây khói
Bởi trong tôi bàng bạc nỗi quê xa”
(Bài Gió đầy trong căn nhà trống- Hồ Việt Khuê)
“ Ngồi đây tôi bán gió chiều
Người mua để bớt đìu hiu hiên nhà
Ngồi đây tôi bán hương xa
Người mua để tưởng bao la bến bờ
Ngồi đây tôi gói giấc mơ
Người mua để nhẹ mong chờ đêm đêm
Ngồi đây bán ngọn nắng mềm
Người mua để thắp cho tiềm thức trong
Ngồi đây tôi bán hư không
Người mua để quẳng gánh gồng ưu tư…
(Bài Quán không- Phan Anh Dũng)
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc yêu thơ 3 ấn phẩm nhân dịp xuân mới Nhâm Dần - 2022.