Theo dõi trên

Tánh Linh: Khảo nghiệm thêm các giống lúa triển vọng

08/01/2025, 05:40

Huyện Tánh Linh đã và đang thực hiện quy hoạch nhiều vùng lúa giống tập trung. Đồng thời, từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng tại các hợp tác xã trong chương trình xã hội hóa giống lúa. Trong đó, việc thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa triển vọng của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện để địa phương có thêm các giống lúa tốt, tăng năng suất cây trồng.

Tìm thêm những giống lúa thích hợp

Mệnh danh là một trong hai vựa lúa phía Nam tỉnh, Tánh Linh có diện tích đất trồng lúa trên 11.000 ha, hằng năm sản xuất trên 26.000 ha/3 vụ lúa. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, đến nay địa phương này đã hình thành và mở rộng được nhiều vùng lúa chất lượng cao. Hầu hết các diện tích lúa trên địa bàn huyện đều sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha. Cá biệt một số diện tích sản xuất đạt từ 80 - 85 tạ/ha. Đến nay, việc sản xuất lúa thương phẩm của nông dân trong huyện đều sử dụng chủ yếu các giống lúa mang thương hiệu OM của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long để gieo trồng 3 vụ/năm.

8d33e0f952f1eeafb7e0.jpg
Nông dân tham quan mô hình.

Xác định phát triển nông nghiệp là lợi thế, trong nhiều năm qua, huyện Tánh Linh đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu gắn với xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên sản xuất nông sản chất lượng, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong đó, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm và giao Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh trực tiếp thực hiện. Qua đó, thực hiện các mô hình cho nông dân trên địa bàn, góp phần tăng sản lượng lương thực cả về số lượng lẫn chất lượng. Một trong số mô hình mới đây là khảo nghiệm giống lúa triển vọng của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích nhằm chọn ra những giống lúa mới có những ưu điểm vượt trội hơn, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, năng suất cao, chất lượng tốt và đáp ứng được thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Từ đó, làm cơ sở để bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh (Trung tâm), trong vụ mùa 2024, UBND huyện Tánh Linh phối hợp Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện mô hình khảo nghiệm các giống lúa triển vọng tại khu vực sản xuất thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Bắc Ruộng 1 - xã Bắc Ruộng với diện tích 1 ha. Các giống khảo nghiệm gồm 8 giống triển vọng (OM9921; OM49; OM3, OM74, OM341, OM429; OM34, OM468), 2 giống đối chứng (OM4900; OM5451). Trong đó có 3 giống (OM9921; OM49; OM3) đối chứng OM4900 và 5 giống (OM74, OM341,OM429; OM34, OM468) đối chứng OM5451.

be34b4fc06f4baaae3e5.jpg
Ruộng lúa mô hình.

Thêm giống lúa tiềm năng

Qua theo dõi của trung tâm, cho thấy lúa sinh trưởng phát triển tốt. Lúa trong mô hình nhờ áp dụng kỹ thuật như gieo sạ bằng máy, bón phân cân đối, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, tưới tiêu ướt khô xen kẽ theo quy trình SRI. Mô hình đã thể hiện được ưu điểm như giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Cùng với đó, các giống lúa trong mô hình đều có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương, thời gian sinh trưởng ngắn, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá khỏe, lá đòng rộng dài, bông dài. Các giống lúa đều thể hiện được tiềm năng, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đáp ứng nhu cầu về sử dụng những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt trong sản xuất lúa thương phẩm.

Từ những hiệu quả mô hình, tại buổi hội thảo đánh giá kết quả khảo nghiệm vừa qua, các đại biểu tham dự đều thống nhất cao chọn giống OM 3 có tiềm năng thay thế dần cho giống OM 4900 và OM468; OM74 thay thế dần cho giống OM5451.

Do đó, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh đề nghị Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, UBND huyện Tánh Linh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và ứng dụng công nghệ. Tiếp tục thực hiện mô hình khảo nghiệm các giống lúa mới triển vọng từ Viện trong thời gian tới và cung cấp nguồn giống mới cho nông dân trên địa bàn huyện Tánh Linh.

Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, giống lúa OM3 có thời gian sinh trưởng 98 - 105 ngày, chiều cao cây 90 - 110 cm, khả năng đẻ nhánh khá, dạng hình đẹp, cứng cây. Tiềm năng năng suất từ 6 - 8 tấn/ha. Giống lúa OM74 có thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày. Khả năng đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp. Tiềm năng năng suất 6 - 8 tấn/ha. Hạt gạo đẹp, thon dài ít bạc bụng, cơm dẻo, ngon.

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Liên kết chuỗi trong sản xuất lúa giống ML48
BTO- Trạm Khuyến nông Hàm Thuận Bắc vừa tổng kết mô hình sản xuất giống lúa xác nhận theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc. Mô hình được thực hiện trong vụ đông xuân 2017 – 2018, thời gian xuống giống từ ngày 30/12/2017, với diện tích 18,5 ha, sử dụng giống lúa nguyên chủng ML 48.
Nổi bật
Tánh Linh: Khảo nghiệm thêm các giống lúa triển vọng
Huyện Tánh Linh đã và đang thực hiện quy hoạch nhiều vùng lúa giống tập trung. Đồng thời, từng bước nhân rộng sản xuất giống lúa chất lượng tại các hợp tác xã trong chương trình xã hội hóa giống lúa. Trong đó, việc thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa triển vọng của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long được Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện để địa phương có thêm các giống lúa tốt, tăng năng suất cây trồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Khảo nghiệm thêm các giống lúa triển vọng