Theo đó, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho UBND huyện Tuy Phong mua lúa giống Ma Lâm 48 với số lượng 13.272 kg; phân Urê 13.825 kg; phân lân Supe 33.970 kg; phân Kali clorua 10.270 kg; phân hữu cơ vi sinh 39.500 kg; vôi bột 49.375 kg. Kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế khác năm 2023 của huyện Tuy Phong (kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa).
UBND tỉnh giao UBND huyện Tuy Phong chịu trách nhiệm và chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua sắm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật về giá, pháp luật về đấu thầu, bảo đảm hiệu quả và thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Được biết, những năm qua Bình Thuận liên tục bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là vấn đề hạn hán, thiếu nguồn nước sản xuất. Trong khi đó, nhiều nông dân vẫn còn giữ thói quen gieo sạ lúa dày, với lượng gieo từ 200 - 250 kg/ha. Đặc biệt trong canh tác lúa, nông dân thường xuyên để ruộng ngập nước, gây hao tổn nước tưới, làm giảm diện tích gieo trồng. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên và giá cả phân bón tăng cao, việc sản xuất lúa cải tiến theo phương pháp SRI được coi là giải pháp hiệu quả, bền vững của nông dân Bình Thuận mấy năm qua. Hưởng ứng chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động về giảm lượng hạt giống gieo sạ để tiết kiệm chi phí sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng và thực hiện chương trình: “Sản xuất lúa cải tiến theo phương pháp SRI” với diện tích 564,4 ha/756 hộ tham gia, trong đó có huyện Tuy Phong, đến nay đã thu được những kết quả khả quan.