Theo dõi trên

Tánh Linh: Thành công từ mô hình khảo nghiệm các giống lúa triển vọng

17/12/2024, 05:29

Huyện Tánh Linh có tổng diện tích trên 1.100 km². Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 45.000 ha; diện tích đất trồng lúa trên 11.000 ha, hằng năm sản xuất khoảng trên 26.000 ha/3 vụ lúa (đông xuân, hè thu và vụ mùa).

dai-bieu-tham-quan-mo-hinh.jpg

Tánh Linh cũng là vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Bình Thuận. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các nhiệm kỳ gần đây đều xác định phát triển cây lúa, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao giá trị sản phẩm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp cũng được quan tâm và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh trực tiếp thực hiện, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện các mô hình cho nông dân trên địa bàn huyện, góp phần tăng sản lượng lương thực cả về số lượng, lẫn chất lượng. Trong đó, việc thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa triển vọng của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện mô hình hằng năm, giao cho Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh xây dựng kế hoạch tham mưu đồng thời sẽ là đơn vị đầu mối liên hệ phối hợp với các trung tâm thuộc Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long để triển khai thực hiện mô hình. Nhằm chọn ra những giống lúa mới có những ưu điểm vượt trội hơn, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, tiềm năng, năng suất cao, chất lượng tốt và đáp ứng được thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Từ đó, làm cơ sở để bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống tại địa phương. Đến nay, việc sản xuất lúa thương phẩm của nông dân huyện Tánh Linh đều sử dụng chủ yếu các giống lúa mang thương hiệu OM của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long để gieo trồng 3 vụ trên năm.

Vụ mùa năm 2024, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh phối hợp Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Khoa học Kỹ thuật vào Sản xuất nông nghiệp – Viện lúa ĐBSCL triển khai khảo nghiệm 8 giống lúa triển vọng gồm OM 9921; OM49; OM3, OM 74, OM341, OM 429; OM34, OM 468 và 2 giống đối chứng OM 4900; OM 5451. Mỗi giống lúa được thực hiện trên diện tích 1.000m2 tại cánh đồng Tum thuộc thôn 4, xã Bắc Ruộng. Xuống giống bằng máy sạ cụm vào ngày 20/9/2024.

Ông Cáp Kim Thành, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: Những ngày mới xuống giống, do bị ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn làm ngập và hư hại một số diện tích phải giặm lại. Tuy vậy, nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) thân thiện với môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu vào như giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Hơn nữa cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh luôn đồng hành trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển nên đã kịp thời phòng trừ ngay từ khi các loại sâu bệnh hại mới phát sinh. Các giống lúa đều có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương và khả năng chống chịu sâu bệnh hại chính tốt, đa số các giống đều có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng biến động từ 85 - 100 ngày theo từng loại giống, các giống có thời gian trổ trung bình từ 4 - 5 ngày, số nhánh hữu hiệu theo từng giống từ 3 - 5 nhánh. Mức độ gây hại của sâu, bệnh và rầy nâu có xuất hiện từng giai đoạn nhưng không nhiều. Bệnh đạo ôn gây hại giai đoạn đẻ nhánh, đồng trổ gây hại trên lá 1 - 3%. Bệnh cháy bìa lá (bạc lá vi khuẩn), lem lép hạt có xuất hiện tỷ lệ bệnh ít hơn ngoài mô hình. Nhìn chung, chuột, sâu cuốn lá, rầy nâu, sâu đục thân gây hại rải rác trên các giống lúa trong các giai đoạn sinh trưởng trên các cánh đồng trong vụ mùa, nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất ruộng trong mô hình thực hiện khá tốt công tác phòng trừ. Hiện tại các ruộng lúa trong mô hình đã chín vàng, dự kiến sau thu hoạch năng suất ước đạt từ 6,5 – 7 tạ/sào.

Ông Nguyễn Kim Thành – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Tánh Linh cho biết: Mô hình khảo nghiệm các giống mới triển vọng của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long vụ mùa năm 2024, kết quả bước đầu cho thấy các giống lúa trong mô hình đều có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương, có thời gian sinh trưởng ngắn, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, bộ lá khỏe, lá đòng rộng dài, bông dài. Các giống lúa đều thể hiện được tiềm năng, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Việc thực hiện mô hình khảo nghiệm mang tính cộng đồng rất thiết thực. Đáp ứng nhu cầu về sử dụng những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt trong sản xuất lúa thương phẩm của nông dân địa phương. Đây là hướng đi đúng đắn theo tinh thần chỉ đạo của huyện hướng đến sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch gắn liền với nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” và sản phẩm OCOP.  

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác
BTO-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 127/CĐ-TTg chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại các địa phương.
Nổi bật
Đảo An Bang chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi
Hải trình đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa, tôi có dịp cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết đảo An Bang. An Bang được ví như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Thành công từ mô hình khảo nghiệm các giống lúa triển vọng