Thành quả từ xác định tiêu chí nền tảng
Năm 2010, tỉnh bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhất là kết cấu hạ tầng thiếu và yếu. Tỉnh xác định đầu tư kết cấu hạ tầng nhất là giao thông nông thôn, thủy lợi phải “đi trước một bước”. Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản sẽ là một trong những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến xã tích cực triển khai Đề án phát triển giao thông nông thôn theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Nhờ đó, đã tạo được sự chuyển biến lớn từ công tác tuyên truyền đến phát huy vai trò chủ thể người dân, doanh nghiệp đóng góp công, góp của, hiến đất làm đường giao thông thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn từ ý Đảng lòng dân.
Đơn cử huyện NTM Đức Linh, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2010, bắt tay vào xây dựng NTM, ở Đức Linh có 11/11 xã khi ấy đều chưa đạt tiêu chí số 2 về giao thông nên việc nâng cấp mạng lưới giao thông trở thành yêu cầu bức xúc. Hơn 10 năm qua, toàn huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp được 356 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 381 km, kinh phí hơn 322 tỷ đồng. Trong đó, có 236 tuyến đường “nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, trên toàn địa bàn các xã với 79,9 km, tổng kinh phí đầu tư 99,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 35,3 tỷ đồng tạo thuận lợi đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Toàn huyện còn có 24 công trình thủy lợi, đáp ứng tưới trên 95% diện tích đất trồng lúa…
Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, tính từ năm 2011 đến năm 2020 tổng khối lượng cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh đạt 1.300 km từ ngân sách huyện và sự đóng góp người dân và doanh nghiệp. Đến cuối năm 2021 đã có 87/93 số xã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông.
Đặc biệt, việc đầu tư các công trình thủy lợi lớn như hồ chứa nước Sông Quao, Cà Giây, Lòng Sông, dự án tưới Phan Rí – Phan Thiết, hồ chứa nước Sông Lũy… đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới nước trong toàn tỉnh từ 32.600 ha vào năm 1992 hiện tăng lên 114.500 ha. Từ đó, góp phần cải thiện thu nhập của người dân nông thôn tăng gấp 3 lần so với thời điểm bắt tay xây dựng NTM. Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn là 46,6 triệu đồng/người/năm.
Nông dân áp dụng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghệ cao tại vùng nông thôn.
Nông thôn mới của chặng đường mới
Nếu so với thời điểm năm 2010, khi ấy mỗi xã bình quân chỉ đạt 4 tiêu chí, thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước (4,7 tiêu chí/xã) thì đến cuối năm 2021 bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã; 63 xã đạt chuẩn NTM chiếm 74,2% tổng số xã toàn tỉnh (93 xã). Toàn tỉnh có 2 huyện đạt chuẩn NTM là Phú Quý, Đức Linh và TP. Phan Thiết đang trình hồ sơ thẩm định hoàn thành xây dựng NTM. Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.
Đa dạng nông sản đặc trưng ở các xã NTM tiền đề phát triển chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Hữu Phước – Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Mặt khác, tiếp tục huy động người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM, thường xuyên kiểm tra tháo gỡ khó khăn để nâng chất lượng các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự. Tỉnh đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu có 75/93 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao...