Theo dõi trên

Tạo “vắc xin số” để bảo vệ “công dân số nhí” trong môi trường mạng

11/04/2024, 05:05

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, việc tiếp cận, sử dụng mạng internet phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, mở rộng và nâng cao hiểu biết luôn là nhu cầu cần thiết, nhưng đồng thời cũng gây nên không ít hệ lụy do trẻ em chưa có nhận thức phòng vệ như người lớn, nên hậu quả để lại không nhỏ và lâu dài. Vì vậy, bảo vệ, hỗ trợ “công dân số nhí” trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm.

Trong thời đại công nghệ, trẻ em “sớm” tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng internet dần trở nên phổ biến để tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập, giải trí. Mạng xã hội ngày nay hấp dẫn trẻ em, bởi nó là “kho khổng lồ” chứa đựng các hình thức giải trí, có lượng kiến thức đa dạng, đồng thời có thể kết nối bạn bè, chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ đây cũng “tiềm ẩn” những rủi ro nếu chúng ta không kiểm soát được, đặc biệt đối với trẻ em còn rất non nớt, chưa biết cách chọn lọc thông tin, tự bảo vệ mình. Nguy cơ mà trẻ gặp phải, đó là: nghiện game, nghiện Facebook, sa lầy vào thế giới “ảo” khiến trẻ bị hạn chế giao tiếp, bị rối loạn tâm trí, xa rời tình cảm và cuộc sống thật, trẻ cũng dễ bị “bắt nạt” trực tuyến, lừa gạt, xâm hại đến sức khỏe và tính mạng, hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật vì “bắt chước” các video bạo lực, khiêu dâm… và những “cạm bẫy” từ internet chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ dẫn đến xảy ra không ít vụ việc đau lòng cho gia đình và xã hội.

tre-can-bao-ve.jpg
Trẻ em cần được bảo vệ khi tham gia mạng xã hội.

Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn “rình rập” trẻ qua mạng internet, như: Mời gọi tham gia các diễn đàn chia sẻ phim, ảnh đồi trụy; tổ chức buổi offline thành viên tại nhà riêng, phòng chat ảo, game online… để làm quen với trẻ, sau đó dụ dỗ, lôi kéo trẻ tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật: Mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp, thậm chí là ép buộc để thực hiện hành vi xâm hại… Mặt khác, việc sử dụng internet quá nhiều khi thiếu kiểm soát, định hướng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, sa sút học hành, sinh hoạt, rối loạn cảm xúc... Phần lớn trẻ em khi tiếp xúc với những nội dung độc hại trên môi trường mạng thường lựa chọn im lặng, thay vì lên tiếng, báo cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, nhà trường và cơ quan chức năng.

Rõ ràng hiện nay, hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại trẻ trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em còn xem nhẹ; việc sử dụng internet ở nước ta, đâu đó đôi khi còn khá “dễ dãi”, hầu như ai cũng có thể đăng tải video, hình ảnh, bài viết có nội dung không lành mạnh lên mạng; nhiều bậc phụ huynh, nhà trường chưa coi trọng việc bảo vệ, phòng tránh xâm hại cho con em, học sinh mình…

Bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay. “Cuộc chiến” này là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm liên quan đến không gian mạng; đặc biệt là vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, nhà trường và phụ huynh trong việc nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, tham gia mạng xã hội an toàn.

Theo các chuyên gia, “lá chắn” quan trọng để bảo vệ “công dân số nhí” trên không gian mạng trong thời gian tới đó là, duy trì và tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật thì vai trò của xã hội, nhà trường và gia đình là rất cấp thiết qua việc giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên, từ đó các em có thể tự nhận biết và phân biệt, bảo vệ mình trên môi trường mạng. Bên cạnh đó cần tạo “vắc xin số” dành cho những “công dân số nhí”. “vắc xin số” sẽ là quá trình tiếp thu, học hỏi, từ kiến thức đến nhận thức và trở thành các kỹ năng hoạt động, ứng xử trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ chính mình.

Bên cạnh các “giải pháp” về chính sách, kỹ thuật, thì mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường trang bị kiến thức và kỹ năng “tự vệ” cho trẻ, giúp trẻ biết bảo vệ thông tin cá nhân và biết cách tương tác an toàn lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng là rất cần thiết, đó chính là “vắc xin số” dành cho những “công dân số nhí”. Và hơn lúc nào hết, cha mẹ cần dành thời gian tâm sự với trẻ, nói rõ cho trẻ hiểu về những tác hại lâu dài của việc nghiện mạng xã hội; đồng thời giám sát đúng mức, phát hiện sớm các dấu hiệu, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của “công dân số nhí” để có điều chỉnh phù hợp.

Xin đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Mỗi đứa trẻ đều là niềm tin, hy vọng; mọi cố gắng, phấn đấu của tất cả chúng ta đều để có một thế hệ “công dân tương lai” tốt đẹp. Bên cạnh xã hội và nhà trường thì mỗi bậc phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức phù hợp để bảo vệ người thân, con cái của mình trên không gian mạng.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Biển bạc của ta do dân ta làm chủ
Cách đây đã 65 năm, ngày 31/3/1959 Bác Hồ đến thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). Nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Bác Hồ căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ lời dặn của Người, từ năm 1995 Chính phủ đã lấy ngày 1/4 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo “vắc xin số” để bảo vệ “công dân số nhí” trong môi trường mạng