Tại lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu hệ thống và hướng dẫn sử dụng phần mềm RiceMoRe. Mục đích để nhân rộng hệ thống và áp dụng thực tế tại địa phương. Theo đó, RiceMoRe cho phép hệ thống hóa và lưu trữ dữ liệu về sản xuất lúa, được cập nhật hàng tuần thông qua mạng lưới cán bộ địa phương từ cấp xã. Dữ liệu được liên kết với hệ thống thông tin địa lý và các lớp thông tin khác giúp cho việc lập kế hoạch sản xuất, ứng phó thiên tai và dịch hại thuận lợi hơn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Bảo – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, kinh tế nông nghiệp vẫn là trụ cột nền kinh tế của Bình Thuận, với khoảng 300.000 ha đất canh tác, trong đó thanh long 25.000 ha, cao su 43.000 ha, điều 17.000 ha, sầu riêng 5.000 ha. Riêng cây lúa có diện tích gieo trồng hàng năm là 120.000 ha, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, sản lượng 800.000 tấn/năm. Do đó việc Cục Trồng trọt tập huấn giới thiệu hệ thống tích hợp theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa cho cán bộ kỹ thuật của cấp huyện và tỉnh tại Bình Thuận là cần thiết.
Theo Cục Trồng trọt, vừa qua đơn vị hợp tác với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp và Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống tích hợp theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa (gọi tắt là RiceMoRe).
Hệ thống này giúp việc đồng bộ hóa các thông tin sản xuất trên nền tảng Web (https://ricemore.org) và Mobie App để thay thế cơ chế báo cáo thủ công hiện đang áp dụng. Hiện nay hệ thống đã và đang được ứng dụng được 4 vụ, kể từ vụ thu đông 2023 đến vụ hè thu 2024 tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng. Hệ thống RiceMoRe cũng có chức năng tính toán phát thải khí (FarMoRe) nhà kính dựa trên thông tin về kỹ thuật canh tác của hộ nông dân.