Theo dõi trên

Luật Đất đai năm 2024: Gỡ “nút thắt” phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

17/09/2024, 05:18

Đạp xe qua những cánh đồng lúa đang trổ bông, ghé thăm thưởng thức cây trái tại vườn, tắm suối, ngắm thác, khám phá rừng; tham quan mô hình nuôi trồng cây, con đặc biệt, thưởng thức đặc sản địa phương, tham quan tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của người dân bản địa… đang là xu hướng du lịch thu hút, hấp dẫn đa dạng đối tượng du khách.

Khởi sắc du lịch nông thôn

Đây được xem là loại hình du lịch nông thôn, đang phát triển khá mạnh ở nhiều nơi, vì mang tính bền vững, giúp bảo tồn và phát triển nền văn hóa, lịch sử, truyền thống của một vùng đất. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương, nhất là vùng nông thôn.

image001.jpg
Du khách rất thích trải nghiệm tại vườn thanh long.

Ở Bình Thuận, thời gian qua du lịch nông thôn chủ yếu là hình thức tham quan làng nghề, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, lễ hội... Gần đây, một số địa phương trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh check in, mua sắm sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An Farm ở xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) với thanh long, nho, dưa lưới trồng trong nhà màng; mô hình vườn trái cây Sáu Trúc (xã Hàm Minh – huyện Hàm Thuận Nam), trải nghiệm vườn sầu riêng ở xã Đa Mi hay tham quan Hợp tác xã Thanh long Hòa Lệ với các sản phẩm đặc trưng của “rồng xanh” (Hàm Thuận Bắc); tham quan mô hình cách làm lúa, gạo sạch, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và trang trại ốc ở thị trấn Võ Xu (Đức Linh)…

z4218408283857_d0cbf1fecd70a2b403934988d26459bb.jpg
Nhiều nơi trong tỉnh bắt đầu xuất hiện mô hình đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch.

Ngoài ra, nhiều du khách còn thích lưu trú tại lều ven sông La Ngà, ven các con suối và thưởng thức những món ăn do người dân địa phương chế biến, ngắm những vườn thanh long chong đèn rực rỡ màu sắc vào ban đêm. Có thể thấy, hiện nay, nhiều du khách rất ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp, vừa được thư giãn, hòa mình vào không gian trong lành, bình yên, vừa có thể thưởng thức những loại trái cây tươi ngon, an toàn ngay tại vườn và mua về làm quà tặng bạn bè, người thân...

vuon-nho-cong-nghe-cao-o-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Tham quan, thưởng thức trái cây tại chỗ đang là xu hướng của nhiều du khách.

Dù vậy, làm du lịch nông thôn hiện nay đa phần là tự phát vì để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho điểm du lịch nông thôn khá khó khăn. Bởi hầu hết đất ở nông thôn là đất trồng lúa, hoa màu và đất cây trồng lâu năm thủ tục để làm du lịch rất vướng về tính pháp lý. Vì vậy, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo cú hích, đánh thức tiềm năng và mở hướng phát triển... Mới đây, Đoàn xúc tiến thông tin du lịch Bình Thuận đã có chuyến khảo sát ở một số điểm du lịch rừng – hồ - thác ở Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Thuận Bắc. Đoàn đã ghi nhận những hiệu quả trong cách làm du lịch ở mô hình này, cũng như những vướng mắc mà các điểm du lịch này đang gặp phải.

htb-2-.jpg.jpg
Làm du lịch nông thôn hiện nay đa phần là tự phát vì để hoàn thiện thủ tục pháp lý cho điểm du lịch nông thôn khá khó khăn.

Gỡ “nút thắt”

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Các mô hình du lịch nông nghiệp với sự tham gia trực tiếp của người dân bản địa đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Đồng thời, đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân, trở thành một phương thức giảm nghèo… Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp còn có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn. Cũng như kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành.

htb-1-.jpg.jpg
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

Theo ngành chức năng thời gian vừa qua, việc triển khai phát triển du lịch nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại bởi “nút thắt” về pháp lý. Chẳng hạn như vùng có tiềm năng phát triển du lịch lại thường nằm ở vị trí rất đặc biệt như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc cảnh quan thiên nhiên, đất trồng cây lâu năm... Tuy nhiên trong Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai lại không cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xây dựng công trình để phục vụ cho những dịch vụ tại địa điểm đó. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8, đã có những hướng mở cho mô hình này phát triển, khi có quy định về sử dụng đất đa mục đích. Theo đó, người dân ở địa phương có thể sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác như dịch vụ, tạo ra vùng sinh thái, du lịch nông thôn để có thể đầu tư xây dựng những công trình phục vụ cho dịch vụ du lịch nhằm phát huy tiềm năng. Một điểm nữa, Luật Đất đai năm 2024 cũng sửa Luật Lâm nghiệp cho phép hình thành những dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ở trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tuy nhiên phải theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt và đúng trình tự. Đây cũng là điểm sáng và hướng mở cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

trong-thanh-long-xuat-khau-o-ham-thuan-nam-2-topaz-denoise-enhance-faceai-sharpen.jpeg
Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn.

Theo định hướng, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận, sẽ hình thành các khu vực du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa bàn trọng điểm của tỉnh. Phát triển các dự án du lịch nông nghiệp công nghệ cao, trong đó ưu tiên các nguồn lực để triển khai các dự án thành phần của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đối với các điểm du lịch cộng đồng sẽ quy hoạch đồng bộ, quản lý chặt chẽ, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch sẽ, thân thiện. Tập trung tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, tạo điều kiện để các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phát triển mạnh trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của địa phương...

dsc_0011.jpg.jpg
“Nút thắt” về pháp lý cho mô hình du lịch nông thôn đã mở.

Luật Đất đai đã “mở”, cùng với những định hướng, quy hoạch phát triển du lịch cụ thể của tỉnh, thời gian tới những vùng đất tiềm năng cho du lịch nông nghiệp sẽ được phát triển một cách hợp pháp.

MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch trải nghiệm: Về với biển, bạn nhé!
Bạn gọi tôi rủ đi Mũi Né chơi! Tôi bảo Mũi Né đã đi nhiều rồi. Bạn bảo sẽ dẫn đến một chỗ chắc chắn mình chưa tới, tha hồ mà ngắm biển. Tôi là dân thổ địa mà nghe bạn nói cũng phải tò mò. Ừ, Mũi Né nhiều nơi đẹp mê hồn, đi cả tuần tôi nghĩ vẫn chưa khám phá hết cái hay của Khu du lịch quốc gia này.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Đất đai năm 2024: Gỡ “nút thắt” phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn