Kế hoạch đề ra các giải pháp, nhiệm vụ như tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa hệ giá trị gia đình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương. Đồng thời, tổng kết, nhân rộng các mô hình văn hóa, mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa. Bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế…
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng thực chất. Xây dựng, nhân rộng mô hình thí điểm thôn kiểu mẫu về phát triển văn hóa nông thôn mang giá trị đặc trưng của địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa.
Song song, xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; thúc đẩy các nội dung lành mạnh, tích cực, “thông tin tốt, câu truyện đẹp”. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc, vùng, miền, góp phần giáo dục đạo đức, tạo dựng lối sống lành mạnh…