Theo dõi trên

 Thăm lại nơi người Raglay giữ kho tàng Chăm

15/02/2019, 09:39

 BT- Những chiếc vương miện bằng vàng, những chiếc hộp cẩn bạc… của hoàng tộc Chăm, lâu nay nhiều người nghĩ được giữ cố định một nơi, qua nhiều năm tháng. Mấy ai biết có một thời, di sản ấy được người Raglay giữ trên núi cao rừng sâu. Chuyện sau đây là chuyện “châu về hợp phố”, hay chuyện di sản về lại chủ củ.

                
      
Nhà bà Thềm còn được gọi là kho mở, nơi    đang giữ gìn bảo quản di sản hoàng tộc Chăm.

 Mang Phúng

Hơn 10 năm trước nhân tìm hiểu con đường thám hiểm cao nguyên LangBian của bác sĩ Yersin,  chúng tôi đến Phan Sơn, xã vùng cao của huyện Bắc Bình. Lần đó, tôi trò chuyện với K’ Bé, dân tộc K’ho, Bí thư Chi bộ Phan Sơn. Anh cho biết: Ở địa phương có một người từng giữ kho tàng vua Chăm. Đó là cụ Mang Phúng, dân tộc Raglay, một trong hai tộc người chính ở Phan Sơn. Cụ Phúng (sinh năm 1917), đang ở tại thôn 1. Sáng ấy, tôi quyết định tiếp chuyện với cụ. Trò chuyện một lúc, cụ bảo là đang đau răng, muốn nghỉ ngơi. Thế nhưng khi tôi nhắc tới chuyện kho tàng, mắt cụ chớp nhanh, rồi như quên cả đau, nói: “Tao và Mang Gun giữ nó trên núi. Mang Gun theo thần núi rồi. Giờ chỉ còn tao biết chỗ thôi. Cán bộ muốn lên đó, chờ tao hết đau răng vớ!”.

Không biết lúc nào người già ấy hết đau, trong khi tôi nóng lòng tìm hiểu chuyện đó, nên liền quay xe về thị trấn Chợ Lầu, mua thuốc Aspirin; mua luôn cho người vợ Mang Phúng chiếc áo vải hoa… để  bà vợ cho chồng dẫn tôi đến nơi  từng cất giữ kho tàng… Cụ Mang Phúng, kể: “Làng cũ tao trên núi, gần Di Linh. Tao đi bứt lúa mẹ thì gặp Mang Thị Boa, vợ trước ở Cà Lon (tên cũ của Phan Sơn thời kháng chiến  chống Pháp). Nó bắt tao làm chồng. Được hai  mùa lúa, Boa nó nói: “Mày không  vô  rừng săn con nai, con chim nữa mà theo làng giữ đồ vua Chăm gởi”. Đó là lần đầu tiên, Mang Phúng biết làng của vợ ăn thề giữ đồ cho vua Chăm. Sau ngày đó, Mang Phúng cùng Mang Gun, một người lớn hơn vài tuổi, mang ngọn lao lên núi R’Pắh,  giữ kho tàng trong căn nhà mái lá, nền gạch.  Trong  nhiều năm, Mang Phúng không hề dám đụng vào đồ vật, cũng như không  biết vua Chăm gởi những gì. Sau này, khi vách nhà mục nát, mỗi khi nắng mặt trời chiếu vào, Mang Phúng mới biết có cái gì đó màu vàng ánh lên, rất đẹp trong đó.

                
K’ Bé và tác giả (phải) tại nơi từng là kho    tàng hoàng tộc Chăm.

Mang Phúng nhớ có đôi lần Tết Ka Tê, người của vua Chăm từ đồng bằng lên rước đồ trong kho đi, rồi lại mang lên trả đúng chỗ cũ. Chỉ một lần, đâu là năm 1963, Mang Thị Boa nói với Mang Phúng: “Già làng xin thần núi rồi. Đồ vua Chăm trả cho Chăm”. Đó là buổi sáng sương phủ dày trên đỉnh R’Pắh, Mang Thị Boa và mấy người nữa vào nhà mang tất cả đồ lâu nay cất giữ, bỏ vào gùi, rồi vội vả xuống núi. Mang Thị Boa đi 3 ngày thì về, cho Mang Phúng một bánh thuốc hút màu vàng và bảo đó là của con cháu vua tặng. Tôi nhớ, cụ Mang Phúng kể tôi nghe chuyện ấy bằng cái giọng trang nghiêm, thành kính. Chúng tôi  yên lặng lúc lâu trước cái móng nhà bằng gạch, có vài cây gỗ mục nát (chắc là sườn nhà) vắt qua, và khi tôi ngỏ ý muốn chụp bức ảnh,  Mang Phúng  “trăm” một  hồi tiếng Raglai, đại ý: “Cái thằng cán bộ muốn có cái hình. Xin thần núi, thần cây cho nó!”, rồi mới cho chụp. 

Trở lại Phan Sơn

 Tháng 2 năm nay, tôi trở lại Phan Sơn... Phan Sơn bây giờ đã dời ra ven quốc lộ 28B Lương Sơn - đi Đức Trọng (Lâm Đồng), bởi  nơi ở cũ nằm trong vùng ngập của dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết.  Gặp lại nhau, K’ Bé vui vẻ kể: Phan Sơn năm 2018 đã gieo trồng 1.811 ha cây lương thực, tăng gấp nhiều lần 10 năm trước, nhờ kênh mương dẫn nước từ thủy điện Đại Ninh về. Cả xã có 1.054 học sinh theo học các trường; cũng như không có hộ đói, chỉ còn một số hộ nghèo. Sa đà, tôi nhắc lại kho tàng, thắc mắc vì sao đồng bào Raglay lại giữ kho tàng của hoàng tộc Chăm? K’Bé nói: Đây là truyền thống. Tôi đọc anh nghe một đoạn trong cuốn “Phan Sơn truyền thống kháng chiến giai đoạn 1945 - 1975”,  để anh hiểu hơn: “Đồng bào có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm để bảo vệ cuộc sống yên lành. Đặc biệt đồng bào đã tin thì lòng tin ấy ít khi bị lay chuyển. Bà con không thích nói suông, ghét gian dối, thích thật thà, nói là làm”(1). Sau đó K’Bé tiếp: Khi thằng Pháp mưu toan chiếm đất nước mình, người Chăm và người Raglai, người K’ho đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng đánh Tây. Những lúc người Raglai thiếu muối, thiếu gạo, người Chăm mang lên giúp. Năm 1946, kháng chiến chống Pháp, ông Dụng Gạch - em của bà Nguyễn Thị Thềm (công chúa Chăm, hậu duệ nhiều đời của vua Chăm Pôklong Mơ Nai, chính danh là Pômutaha (1622 - 1627) - được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Phan Lý, phụ trách các xã miền núi, rồi tiếp theo bà Thềm, lên rừng sống cùng với kháng chiến thì hai tộc người Chăm - Raglay lại càng gắn kết. Sự gắn kết này có căn nguyên của nó, bởi theo nhiều nhà khảo cổ học, người Raglay nguyên thủy là người Chăm theo Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) nổi lên chống lại vua Minh Mạng. Vụ việc thất bại, để tránh trả thù, họ chạy lên rừng. Ông Bố Xuân Hổ, một nhà nghiên cứu Chăm, cũng nói: Raglay theo tiếng Chăm là Rang-Lai (người rừng). Và như một tất yếu, hoàng tộc Chăm trong những năm đi lánh giặc Tây đã mang theo di sản của các vị vua, nhờ người Raglay cất giữ. Điều này, nhà nghiên cứu Hải Liên, đề cập trong cuốn “Trang phục cổ truyền Raglay”: “Trước năm 1945, ở Cà Lon có 2 kho tàng của bà Thềm, cất giữ mão vàng, kiếm vàng, các loại nữ trang, trang phục hoàng tộc Chăm”(2). Năm 1958, làng của người Raglay bị Diệm buộc dời ra  Di Linh. Cả làng phản kháng, nửa đêm mang theo đồ vua gởi, băng rừng về Cà Lon. Năm 1963, địch lại dồn dân, lần này quyết lấy luôn kho tàng, trong tình thế bắt buộc, người Raglay cho người về Tịnh Mỹ gặp bà Thềm, xin gởi lại những gì bấy lâu gìn giữ. “Sau sự việc ấy, người Raglay gắn bó với người Chăm. Trong một cuốn sách tôi đọc được có đoạn viết: “Trong những năm được mùa, người Raglay ở Thuận Hải (nay là Bình Thuận) cũng mang lễ vật xuống cùng tổ chức lễ Katê với người Chăm. Họ mang theo kèn bầu (rakle), mala (sar) biểu diễn các khúc nhạc tuy mộc mạc, nhưng thiết tha gợi lại những ký ức, tình cảm thân ái giữa hai dân tộc”(3). Không những thế, tại nơi giữ kho tàng, đồng bào vẫn lui tới cúng kiếng. Gần đây, Phan Sơn xin phép cấp trên, dựng lên tại nơi ấy căn nhà xây, mái tole, mỗi năm mở cửa cúng 2 lần, cũng như thờ Pôn ôn, người có công với đồng bào Chăm” - K’Bé giọng trầm trầm, nhấn mạnh.

Tôi theo chân K’Bé đến nơi giữ kho tàng trước đây. Khác với lần đi với Mang Phúng, đường lên núi hôm nay bị con kênh dẫn nước cắt ngang, nhưng may thay ai đó đã xây ở đây một chiếc cầu. Buổi trưa yên tĩnh. Hai chúng tôi không hẹn mà lại nói với nhau về cảnh người Chăm từ Tịnh Mỹ lên, rước di sản người xưa về làm lễ Katê; cái cảnh người Raglay mang di sản trả lại cho người Chăm.  Hai cảnh tượng ấy biểu tượng cho lòng thủy chung, đoàn kết giữa Chăm - Raglay. Nó như một kết thúc có hậu. Các vị vua Chăm trong thời gian trị vì đã cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, những cuộc can qua, những lần dời đô,  nhiều di sản bị mất đi. Một phần di sản, cụ thể là di sản thời kỳ Pô long Mơ nai và trước đó, sau khi người Raglay trao được cất giữ trong căn nhà nơi bà Thềm sinh sống, sau này là  Nguyễn Thị Đào - cháu gái bà Thềm. Nhiều người gọi đây là kho mở, vào những ngày lễ trọng của người Chăm đều mở cửa đón khách tham quan. Những năm sau này, tôi đôi lần thăm kho mở, được bà Đào cho phép chụp ảnh một số hiện vật. Ở đây có hơn 100 hiện vật, là đồ dùng, trang phục thời vua Pô long Mơ nai và các đời vua trước, đa phần là độc bản quý hiếm. Chẳng hạn, vương miện vua  bằng vàng, chạm trổ tinh vi theo nghệ thuật trang trí truyền thống Chăm với 2 con Makara (rắn thần, khác với biểu tượng rồng của vua Việt, Trung Hoa) quấn lấy nhau. Vương miện của hoàng hậu Ôbia sơm nhỏ hơn nhưng tinh tế, tỉ mỉ trong đường nét. Về trang phục, có trang phục vua mặc hàng ngày, hoặc khi đi trận mạc, cũng như trang phục của hoàng hậu và của người hầu… Nhìn vào hiện vật không thể không nghĩ tới một  đất nước từng có  nền văn hóa rực rỡ, đầy bản sắc, độc đáo…

Chia tay với K’Bé, tôi hẹn anh ngày quay trở lại Phan Sơn, một miền quê văn hóa. Một miền quê, sau những năm tập trung phát triển, sự đồng cam cộng khổ của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự nỗ lực của người Raglay, người K’ho… đã trở nên khang trang, sạch đẹp, văn minh, ấm áp và dần  no đủ dưới chân đại ngàn…

 (1): Sđd, trang 14, Chi bộ xã Phan Sơn, Bắc Bình, xuất bản năm 1999. (2): Sđd, trang 42, 43, NXB Đại học Quốc Gia, Hà Nội 2001. (3): Văn hóa Chăm, trang 347- Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

Ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 Thăm lại nơi người Raglay giữ kho tàng Chăm