Kể từ tháng tư một chín bảy lăm cho đến hôm nay - thời gian đã đủ để tôi gọi đó là ngày xửa ngày xưa - cái ngày xưa ấy, cô bé hàng xóm chỉ là một đứa trẻ nép bên mẹ ngơ ngác nhìn chiến tranh, còn tôi cũng từ ngày ấy bị chiến tranh lôi bầm dập từ vùng này qua vùng khác. Và tháng tư này, cô bé “ngơ ngác nhìn chiến tranh” từ dạo ấy đã là một bà mẹ trẻ thành đạt trong cuộc sống, còn tôi, u già, lơ láo nhìn cuộc đời!
Tháng tư dạo ấy, tôi tạm biệt em không hẹn ngày gặp lại. Những năm tiếp sau vì nhớ quê tôi trở lại và đã gặp em. Mới ngày nào, nay em đã lớn và may mắn được sống hồn nhiên trong hòa bình. Em nói với tôi, tiếc quá em chỉ biết chiến tranh qua sách báo, phim ảnh… Giá mà em được trực diện với nó để được cùng thấm nỗi đau với những ai đã từng mất mát, đau khổ vì chiến tranh. Em nói thế có quá lý tưởng và lãng mạn không?.
Một tháng tư nữa lại về!
Chiều nay, một chiều tháng tư tôi về thăm quê cũ. Tôi và em, một già một trẻ đi bên nhau dưới con đường làng. Xóm làng bây giờ thay đổi nhiều quá. Không như ngày xưa nhà tôi và em cách nhau một hàng dâm bụt. Hàng dâm bụt chỉ tượng trưng cho ranh giới đất, chớ không phải phân chia lòng người. Nhà bây giờ kín cổng cao tường, hình như có một sợi dây vô hình ngăn chia tình làng nghĩa xóm? Không ít người ngày nay ăn cũng khép kín, giàu cũng khép kín và lòng người cũng khép kín, chỉ có đất là rộng mở vì không giấu được đất, mặc dù trong đất có… vàng.
Đã lâu rồi không còn nghe tiếng máy bay gầm rít xé gió tung trời, những tiếng đại bác ầm ì thâu đêm, không còn thấy cảnh người mẹ trẻ ngất lịm khi nghe tin chồng chết trận… viễn cảnh ấy không còn. Đó là niềm vui trong hòa bình.
Tháng tư này tôi và em mới có dịp đi bên nhau trong một buổi chiều nắng quái ở quê mình. Nắng như có lửa làm xám cỏ cây, nắng háp vàng lá, nắng hừng hực như rang, phà xuống cái thị xã nhỏ bé như lòng bàn tay, có cái tên nghe rất tây: La Gi. Dù ngay ở quê mình, nhưng nhìn đâu cũng thấy lạ, lạ đường, lạ đất, lạ nhà, lạ người. Tôi hỏi em, quê mình, ai còn ai mất? Còn ít, mất nhiều. Chiều tháng tư xuống chậm, cái nắng bớt hung hăng, ghé vào một quán nước bên đường uống cà phê và nghe “Giai điệu tự hào”: “… Giải phóng miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước…”. Em lắng tai nghe và nói rằng, lâu quá em không nghe bài hát này - một bài hát khó quên từ hai phía - bên này và bên kia. Và em hỏi tiếp, anh ơi, chết trong chiến tranh, chết già, chết tai nạn, chết bệnh tật… con người ta chết rồi còn biết gì nữa không? Em ạ, học trò Khổng Tử đã từng hỏi ông câu này, và ông trả lời rằng, muốn biết chết có còn biết gì nữa không, thì hãy đợi đến khi chết thì sẽ rõ! Em nhìn tôi, Khổng Tử trả lời khôn quá anh nhỉ?
Quá khứ có trong từng mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi đất nước. Quá khứ có buồn vui lẫn lộn, có vinh có nhục, có máu và nước mắt, có chia lìa khổ đau, có chết chóc oán than. Chiều nay, tháng tư này, tôi trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn sau những năm bỏ quê lang bạt vào thành thị từ khi chiến tranh vừa chấm dứt. Trong ráng chiều im lặng, tôi và em cũng lặng im để nghe quá khứ thời gian vọng về…
“… Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…” (Xuân Hồng).