Năm 2006, BCĐ về phòng, chống tham nhũng Trung ương được thành lập. Đến năm 2012, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XI đã quyết định tổ chức lại BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Có thể nói, từ đó đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước đã có những bước tiến, đột phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng loạt những đại án, những vụ việc tham nhũng bị đưa ra ánh sáng đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “ Vi phạm đến đâu, xử lý đến đó”… Sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cán bộ, đảng viên và nhân dân thời gian qua. Thế nhưng, để làm tốt hơn, một cách triệt để hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cần phải triển khai một cách sâu rộng hơn, toàn diện hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải hình thành các BCĐ phòng, chống tham nhũng ở các địa phương. Việc làm này không chỉ để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, mà còn được xem là cánh tay nối dài của Trung ương, từ đó sẽ giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn tiêu cực còn tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII thông qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng của các cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân.
Có gần 40 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Đức Lực, thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, ông rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Theo ông Lực, đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết. Bởi, có BCĐ phòng, chống cấp tỉnh, sẽ giúp cho cấp ủy chính quyền có thêm một công cụ để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện về tham nhũng và tiêu cực.
“Tôi rất bức xúc những vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong thời gian qua. Vẫn biết là Trung ương Đảng và các Ban phòng, chống tham nhũng ở Trung ương đã làm rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế. Việc thành lập BCĐ ở các địa phương, sẽ gần dân hơn, sát dân hơn. Theo đó, người dân sẽ dễ dàng phản ánh những tâm tư, bức xúc ở chính địa phương mình. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng BCĐ cấp tỉnh được thành lập sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân”, ông Lực chia sẻ.
Còn ông Trần Giao Hưng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hàm Thuận Nam thì cho biết, chỉ đạo của Trung ương về việc thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh là một sự thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Và với sự thành lập BCĐ phòng, chống cấp tỉnh, thì ông Hưng hy vọng rằng sự vào cuộc của những cán bộ làm công việc này phải là những người tâm huyết, có bản lĩnh chính trị, có trí và có lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo ra sự kỳ vọng lớn hơn trong nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
Vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Ban Bí thư ký ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố. Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Đảng ta đã xác định, phòng chống tham nhũng là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựn,g chỉnh đốn Đảng. Do vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương, của Bộ Chính trị mà phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".