Theo dõi trên

Thanh long Bình Thuận: Thời điểm nỗ lực giữ thương hiệu. Bài 1: Trước “cơn bão” 1 thị trường

06/01/2022, 06:04

BT- Mặc dù đã xảy ra rất nhiều lần vào dịp tết nhưng đợt tụt dốc giá thanh long vụ tết lần này khiến nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thanh long “điêu đứng”.

so-che.jpg.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Hàm Thuận Nam. Ảnh: Ngọc Lân

Giảm giá sâu

Những ngày qua, hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc bị ùn ứ. Tình trạng này đã ảnh hưởng nặng nề đến nông sản nói chung và hoạt động tiêu thụ thanh long của tỉnh nói riêng. Kéo theo đó, giá thu mua thanh long tại vườn của nông dân cũng rớt giá mạnh, khiến bà con “điêu đứng”, khi Tết Nguyên đán đã cận kề, trong khi chi phí đầu tư cao.

Cách đây khoảng 1 tháng, tại vùng trồng thanh long xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc, bà con háo hức chuẩn bị cho vụ thanh long chong đèn, canh đúng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Mỗi người một tâm trạng, nhưng họ vẫn hy vọng sự khởi sắc khi tình hình kiểm soát dịch Covid-19 được từng bước ổn định. Giá cả thanh long thời điểm đó cũng trên 15.000 đồng/kg, nên nông dân khá phấn khởi. Nhưng 1 tuần trở lại đây, thanh long vụ nghịch chỉ được thu mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, khiến nông dân thua lỗ nặng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc đang chong đèn 300 trụ thanh long, canh đúng ngày 20 tháng chạp sẽ xuất bán, nhưng thời điểm này cũng như ngồi trên đống lửa. Thực tế đó cũng xảy ra với một số hợp tác xã trồng thanh long trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh long hữu cơ Suối Đá (Hàm Thuận Bắc) đã có đơn xin giải cứu đến các cơ quan trong cả nước hỗ trợ, chung tay giải cứu tiêu thụ thanh long cho HTX. Bởi trong đợt cuối năm 2021, HTX có xuất lô hàng 26 container thanh long sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay, HTX vẫn còn tồn đọng lại 15 xe container thanh long chưa tiêu thụ được do phía Trung Quốc đóng cửa khẩu.

Ông Trần Xuân Hoặc, Giám đốc HTX Suối Đá, cho biết HTX có 15 ha thanh long VietGAP, với 10 hộ thành viên. Đầu tháng 12/2021, HTX vận chuyển 26 container thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc tiêu thụ. Nhưng do ùn ứ tại cửa khẩu, HTX chỉ bán được 11 container. Số lượng container còn lại bị “giam” ở cửa khẩu 20 ngày. Trong tình thế đó, các tài xế đã buộc phải quay đầu xe “bán đổ bán tháo” tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam với giá ban đầu là 1 thùng 20 kg/200.000 đồng, sau đó hạ dần. Sau chặng đường dài vất vả, thua lỗ nặng, số container này mới về đến Bình Thuận trong ngày 4/1/2021. Hiện HTX chưa thể tính toán chính xác được con số thua lỗ…

so-cho-1.jpg
Chăm sóc thanh long. Ảnh: K. Hằng

Tìm giải pháp tháo gỡ

Trong khó khăn chung, mỗi doanh nghiệp, HTX và nông dân có những cách xoay xở khác nhau. Riêng tại HTX thanh long sạch Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) có 35 ha thanh long, trong đó 5 ha thanh long GlobalGAP và 30 ha VietGAP cùng 200 ha thanh long VietGAP khác liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương đã có cách làm năng động. Bằng các mối quan hệ giao thương trước đó, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch tại TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, từng bước đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long như mứt, kem, rượu, nước cốt… và đưa sản phẩm giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử để tiếp cận người tiêu dùng.

Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho rằng, để việc tiêu thụ thanh long ổn định, bền vững, chỉ có cách các HTX, doanh nghiệp phải liên kết, “bắt tay” nhau sản xuất sạch, tạo thương hiệu và hình thành một vùng nguyên liệu rộng lớn để kết nối với các đối tác thông qua xuất khẩu chính ngạch.

Trong khó khăn chung trước bão thị trường dịp cuối năm, khi phía Trung Quốc vẫn kiên trì áp dụng chính sách “zero Covid”, khiến hoạt động xuất khẩu, thủ tục thông quan của Việt Nam càng bị kiểm soát gắt gao. Ngay thời điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài để “gỡ khó”. Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tuyên truyền tới các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất trên địa bàn về tình hình xuất nhập khẩu thanh long và tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Qua đó, để chủ động trong sản xuất, thu hoạch cũng như có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu hợp lý. Mặt khác, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhất là đợt thu hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giảm giá sâu.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng đã được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng tính cạnh tranh, hiệu quả còn thấp. Chính vì vậy, cần có những giải pháp để giữ gìn thương hiệu thanh long Bình Thuận. Một trong số đó là tăng cường hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long. Hỗ trợ các đơn vị kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩn. Song song, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Trước “bão” thị trường, thanh long Bình Thuận thường xuyên trồi sụt, người trồng luôn bị “nắm đằng chuôi”, nên rất cần các doanh nghiệp đầu tư kho lạnh trữ hàng. Mặt khác, chú trọng đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long, xúc tiến thương mại ở các thị trường ngoài Trung Quốc. Nhất là khi thanh long Bình Thuận vừa được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản, sẽ mở ra cơ hội mới trong tương lai.

K.HẰNG – Q.TÍN – B.NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ưu tiên đầu tư lưới điện để trả 100% công suất trạm thanh long
BTO- Những năm gần đây, diện tích trồng thanh long trong toàn tỉnh tăng quá nhanh. Số diện tích chong đèn thanh long sử dụng điện hiện hữu đạt 32.670 ha, vượt rất xa diện tích thanh long theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 28.000 ha và đến năm 2025 là 30.000 ha. Từ đó, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, ngành điện đã đầu tư kinh phí rất lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận: Thời điểm nỗ lực giữ thương hiệu. Bài 1: Trước “cơn bão” 1 thị trường