Theo dõi trên

Thanh long vào mùa thu hoạch rộ

13/01/2022, 05:59

BT- Theo kết quả rà soát về tình hình sản xuất thanh long tại các địa phương, dự kiến từ nay đến hết tháng 2/2022 có khoảng 15.836 ha/tổng diện tích 33.577 ha thanh long toàn tỉnh (chiếm khoảng 47,1%) đã tiến hành sản xuất, xử lý ra hoa trái vụ. Ước tính, sản lượng dự kiến vài tháng tới khoảng 121.462 tấn. Trong đó, “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam có diện tích trồng lớn nhất tỉnh, với gần 15 ha. Trong quý 1/2022, huyện dự kiến thu hoạch khoảng 105.000 tấn.

thanh-long-1.jpg
Thanh long sau thu hoạch.

“Dồn dập” những ngày cận tết

Với tâm lý “canh” thanh long bán dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều nhà vườn trong tỉnh đã đồng loạt xử lý cho ra hoa trái vụ. Tuy vậy, trước khó khăn do phía Trung Quốc tạm đóng một số cửa khẩu, khiến thị trường loại nông sản này dịp cuối năm vô cùng ảm đạm, giá rớt sát đáy. Hiện giá thanh long chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái nào mua.

Riêng tại huyện Hàm Thuận Nam có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh với gần 15.000 ha, trong đó khoảng một nửa diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP (còn hiệu lực đến cuối tháng 12/2021) và trên 4.500 ha thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam năm 2021 đạt khoảng 360.000 tấn, năng suất bình quân 24,2 tấn/ha/năm. Riêng từ ngày 6/1 đến 26/1/2022 (cận Tết Nguyên đán), lượng thanh long chín trên cây ước khoảng 45.000 tấn.

Thanh long chín đồng loạt, căng mọng trên cây nhưng chính sự thiếu vắng người mua, giá quá thấp khiến nông dân trồng thanh long bất lực nhìn bao công sức, vốn liếng đầu tư gần như đổ biển. Ngay thời điểm này, hy vọng của bà con chính là các cơ sở bảo quản kho lạnh. Tại huyện Hàm Thuận Nam hiện có 140 cơ sở lớn, nhỏ thu mua, tiêu thụ thanh long, chủ yếu thanh long tươi. Theo đó, tổng số kho lạnh trên địa bàn huyện đáp ứng lưu trữ, bảo quản 167 kho lạnh, có sức chứa trên 25.000 tấn thanh long.

Tuy vậy, thực tế thị trường trái thanh long đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ gặp khó khăn. Hiện có 110 cơ sở thu mua tạm ngưng hoạt động, chỉ còn 30 cơ sở duy trì lưu trữ trong kho lạnh để đóng hàng đi cảng biển (Công ty Yualaimei, Hải Thuận, Hưng Nguyên...).

Phải tự cứu mình

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến trung tuần tháng 1/2022, số lượng xe thanh long Bình Thuận tồn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khoảng 400 xe (tương đương 8.000 tấn thanh long) chưa tiêu thụ được. Trong bối cảnh đó, tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngày 10/1, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan 3 cửa khẩu, lối mở biên giới tại TP. Đông Hưng, phía Việt Nam là TP. Móng Cái, Quảng Ninh. Phía Quảng Tây đã cam kết trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.

Dù đã có tín hiệu khả quan, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, tại các cửa khẩu, sau một thời gian dài chờ đợi thông quan, nhiều hàng hóa đã bị hư hỏng, hoặc được bán tháo để… gỡ vốn. Riêng tại vùng trồng thanh long của Hàm Thuận Nam, sản lượng thu hoạch thanh long trong thời gian đến rất lớn. Do đó, huyện kiến nghị Sở Công Thương tích cực làm việc với các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Lottemart... để có đẩy mạnh tiêu thụ thanh long của địa phương tại thị trường trong nước. Song song, “thủ phủ” thanh long cũng kiến nghị ngành Điện lực tỉnh xem xét phương án giảm giá điện trong giai đoạn này để giảm bớt thiệt hại kinh tế đối với các nhà vườn và các cơ sở thu mua thanh long. Đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh sớm có hướng dẫn, chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện trong việc cấp, quản lý mã vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng. Mấu chốt quan trọng để “tự cứu mình” là các sở ngành, doanh nghiệp liên quan liên hệ với đối tác để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch để giảm thiểu rủi ro. Sử dụng phương thức vận chuyển như đường biển thay cho đường bộ.

Mới đây, tại diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Bình Thuận cung cấp thông tin về nhu cầu thanh long của các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước trong tháng 1,2 và tháng 3/2022. Qua đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ làm việc với các cảng biển và các đơn vị vận tải biển tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang đề nghị Hiệp hội Thanh long và các doanh nghiệp xuất khẩu, HTX sản xuất, kinh doanh thanh long cung cấp thông tin liên quan để gỡ khó trong thời gian tới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, dự kiến thời gian tới toàn tỉnh sẽ có 3 đợt thu hoạch. Đợt 1 từ 15 – 18/1: Phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 xuất khẩu sang Trung Quốc, dự kiến khoảng 48.584 tấn. Đợt 2 từ 22 - 27/1: Phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tiêu thụ nội địa, dự kiến khoảng 18.219 tấn. Đợt 3 từ 10 - 15/2: Phục vụ Tết Nguyên tiêu 15/1 âm lịch tiêu thụ thị trường Trung Quốc và nội địa, dự kiến khoảng 30.365 tấn. Ngoài ra, một số đợt thu hoạch rải rác dự kiến khoảng 24.292 tấn.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ tiêu thụ thanh long vụ tết
BT- Hồi giữa năm 2021 khi dịch bùng phát ở Bắc Giang đúng vào lúc 200 ngàn tấn vải thiều đến vụ thu hoạch. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trên đường đi công tác Bắc Giang thì gặp đoàn xe tải chở vải thiều ghi dòng chữ “giải cứu nông sản”.
Nổi bật
Phan Thiết 10 năm xã hội hóa lĩnh vực văn hóa
Thành phố Phan Thiết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đến nay đã có những thành quả nhất định. Có được kết quả đó một phần là nhờ sự góp sức, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp gắn kết với địa phương.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long vào mùa thu hoạch rộ