Năm nay các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự chuẩn bị và xúc tiến phục vụ sớm nhu cầu mua sắm tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán của người dân. Được biết, tổng giá trị hàng hóa tham gia bình ổn thị trường dịp tết do các đơn vị trên địa bàn tỉnh đăng ký là hơn 390 tỷ đồng, tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn. Vì vậy lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường khá phong phú, dồi dào và đảm bảo chất lượng nên người dân không mua sắm dự trữ nhiều hàng hóa trong gia đình. Đối với địa bàn các huyện và hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (như Co.opFood, Bách Hóa Xanh, Vinmart…) sức mua tháng tết năm nay tăng khoảng 20 - 25% so với những tháng bình thường trong năm. Riêng tại TP. Phan Thiết còn tổ chức chợ tết hoạt động ở khu vực phía Nam và Bắc sông Cà Ty diễn ra trong nhiều ngày, kéo dài đến sáng 30 tết.
Trong tết, Trung tâm Thương mại Lotte Mart Phan Thiết và một số chợ truyền thống đã bắt đầu hoạt động trở lại từ mùng 2 Tết Nguyên đán (mở bán buổi sáng), tập trung vào mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Đến mùng 4 tết thì đồng loạt các siêu thị, mạng lưới chợ truyền thống, cửa hàng, cửa hiệu, tạp hóa đều mở cửa buôn bán. Do vậy, nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng trở lại bình thường, giá cả nhìn chung ổn định so với thời điểm cuối năm và không có sự tăng giá đột biến ở nhóm hàng hóa thiết yếu. Chỉ có một số mặt hàng tăng nhẹ như rau củ quả, thực phẩm tươi sống hoặc mặt hàng cúng tạ đầu năm theo nhu cầu tín ngưỡng của người dân, song mức tăng phù hợp với quy luật cung cầu thị trường…
Dịp này, Sở Công Thương cũng tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh (do Sở Y tế chủ trì) nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó tập trung các nội dung: Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024; Tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, địa bàn tập trung đông dân cư. Cùng với đó kết hợp phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân… Kết quả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện và xử lý 1 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hành chính là 17,5 triệu đồng.
Cũng trong dịp tết năm nay, Sở Công Thương ghi nhận các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Bình Thuận chuẩn bị lượng dự trữ dồi dào và cung ứng đầy đủ cho nhu cầu sản xuất, đi lại, vận chuyển của người dân. Đồng thời mở cửa bán hàng sớm và tăng thời gian phục vụ vào những ngày trước - trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong khi đó tại địa phương, mặt hàng bia, rượu lại có xu hướng giảm nhu cầu rõ rệt, gần như không có đại lý, hộ kinh doanh tích trữ nhiều hàng bán trong và sau tết…