Theo thống kê, toàn xã Thiện Nghiệp hiện chỉ còn 720 hộ canh tác cây điều, với tổng diện tích 650ha, giảm gần 100 hộ canh tác và diện tích cây điều cũng giảm đáng kể. Vì cây điều là nguồn thu nhập chính, mỗi năm chỉ cho một mùa quả. Nhưng hạn hán không có năng suất, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Một số hộ còn cầm cự được thì cố giữ lại vườn điều, số còn lại thì phải chặt để trồng cây khác có hiệu quả hơn. Đất Thiện Nghiệp phù hợp với cây dừa, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn lại có trái quanh năm, nên bà con có dự định chuyển hướng sang trồng dừa. Nhưng trồng dừa cũng cần có nước, đây cũng là bài toán khó cho việc chuyển đổi cây trồng.
Xem clip
Trước tình trạng người dân chặt bỏ cây điều làm củi bán, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực tìm hướng chuyển đổi cây trồng khác phù hợp để giúp bà con thay thế cây điều. Nhưng, theo ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp, thì những thôn hạn nặng như Thiện An, Thiện Sơn chỉ có thể chuyển đổi sang trồng cây keo, mà loại cây này phải 5 năm mới cho thu hoạch một lần. Đa số những hộ chặt điều là do túng quẫn, cái ăn trước mắt còn khó thì việc đợi 5 năm để thu hoạch keo là điều xa vời.
Trong cơn nắng hạn, nhiều hộ dân dường như đã khánh kiệt. Họ chặt cây điều làm củi bán với giá 90 ngàn đồng/m3, để duy trì cuộc sống trước mắt. Ngành chức năng cần tìm lối ra trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại nguồn lợi kinh tế khá hơn, giúp bà con nông dân thoát khỏi khó khăn, có cuộc sống tốt hơn.
NL