BT- Thơ La Văn Tuân không đặc dị, không lạ lùng, anh đằm sâu một chữ tình thật thà.
Và trăm năm trong cái cõi tình trường đẹp đẽ và vật vã ấy, những cuống màu, những lá hương trộn hòa trong“Lời chim ban mai”, muôn hình vạn tía trong “Lời chim ban mai”, thổn thức, bàng hoàng trong “Lời chim ban mai”…
Như một giấc chiêm bao ngập tràn nhạc điệu yêu, lấm láp những bước chân tràng giang đi, mỗi bài thơ là một khúc đoạn chắt lọc từ vô ngần nắng biển sương đồng mà Tuân đã đi qua, đã sống và đã thương thổi bụi bay, thương ngày cát trắng, thương đêm rất dày.
Này em, mùa cũ chưa kịp úa
Bánh xe ngày mới một vòng xoay
Triền dốc li ti ngàn nấm dại
Tôi ngồi vụng nhặt một dấu tay.
Đâu cứ dấu tay ngọc trắng mới phải suốt đời ngồi vụng nhặt, chữ tình thật thà ấy diễn tả sao hết được; ngàn xuân triệu nấm, ngon ngọt đó, thơm tho đó là của ai kia, là của cuộc đời kia, nó không vụng về mà chung thủy, nó không chất ngất mà lặng im, nó không rưng rưng mà tiếc nuối đong đầy như cái cõi tình riêng tư này, như cái dấu vân tay in hằn một lần là mãi mãi này. Thơ Tuân tuyệt tính mà không điệu bộ là vậy!
Cứ thật thà thế mà người phiêu, thơ bay, mà chân trời khép mở do tâm như cái kết của bài thơ “Lời chim ban mai”:
nào em
ta bay thôi.
Bay nào phải đâu buông lung. Bay nào phải đâu lướt nắng ly mưa. Bay nào phải đâu rủ rê nghịch hành với đời sống. Bay của Tuân là cái bay thoát tạm thời giữa ngàn vạn khó khăn của nắng bụi mưa lầy, của giá xăng tăng cao, của cơm áo đắt đỏ, bay là dìu ba đào về chân trời khác, là thăng hoa xóa tan nghi hoặc mông lung. Bay là vào cái muôn trùng mênh mông của tâm hồn.
Nhạc điệu trong thơ Tuân như tiếng bật xòe dồn chứa hy vọng, khát khao nhưng cũng rất đỗi mong manh của chiếc diêm quý giá trong mùa sương đục:
Bật mình thành ngọn lửa
Phiêu du trong bóng đêm
Nó tự nhiên như linh hồn một bông hoa tự hát lên, như tiếng chim ban mai tự nó khản đục và trong trẻo, như tiếng thì thầm của trôi trượt và quay về như vốn dĩ đời người như thế. Vẫn thế những âm thanh thao thiết và trầm ngâm chia sẻ chân tình! Vẫn thế một La Văn Tuân như ông trời bắt sinh ra để làm thơ dù việc của người thơ cũng bận bịu trăm công ngàn mối. Vẫn thế như “Lời chim ban mai” chợt làm vút cao bầu trời hẹp nơi mỗi con người mãi “phiêu khúc lênh đênh”. Thơ La Văn Tuân không có gì đặc dị cả nhưng lại đậm chất tình đằm sâu trong nỗi niềm riêng.
NGUYỄN HIỆP