Theo dõi trên

Thổ Nhĩ Kỳ - Thành viên NATO khó sống chung nhưng không thể sống thiếu

08/08/2022, 16:09

Với vị trí chiến lược và vai trò của mình, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên mà phần còn lại của NATO khó sống chung nhưng lại gần như không thể sống thiếu.

Khó sống chung

Ngày 19/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahimi Raisi - lãnh đạo của 2 nước được coi là đối thủ của phương Tây. Chỉ một vài ngày sau đó, ông lại một lần nữa xuất hiện trên trường quốc tế. Lần này là cùng với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong lễ ký kết thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là một đồng minh rất phức tạp của phương Tây.

tho.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahimi Raisi. Ảnh: Getty

Tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đã rõ ràng. Về mặt địa lý, nước này nằm dọc phía Nam Biển Đen, có vị trí như một cây cầu kết nối châu Âu và châu Á, giáp với Trung Đông ở phía Nam, Trung Á ở phía Đông và khu vực Kavkaz ở phía Bắc. Trong số nhũng quốc gia giáp Biển Đen, các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường duy nhất dẫn tới biển Aegean, Địa Trung Hải và các đại dương khác.

Về mặt chính trị, Thổ Nhĩ kỳ là quốc gia Hồi giáo lớn nhất NATO và có thể là nhân tố đối thoại hữu ích giữa thế giới Arab và Ba Tư. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Ankara với nhiều đối tác chủ chốt trên thế giới đã mang đến cho nước này ảnh hưởng chính trị mà một trong số đó là vai trò trung gian cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine mới đạt được gần đây.

Cuối cùng, về mặt quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân đội lớn thứ hai NATO với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn và là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như các trang thiết bị phòng thủ quan trọng của cả NATO và Washington.

Tuy nhiên, với nhiều nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ không phải một đối tác đáng tin cậy, từ cuộc chiến giữa nước này với Cyprus năm 1974 cho tới những cuộc đối đầu với Hy Lạp ở biển Aegean.

Tổng thống Erdogan gần như là lãnh đạo duy nhất của một nước NATO có quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Putin hiện nay. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lãnh đạo duy nhất của một nước NATO mua hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến từ Nga, thay vì các thiết bị của phương Tây, vốn có khả năng tích hợp với mạng lưới phòng không NATO.

Ông cũng là nhà lãnh đạo NATO duy nhất đe dọa một đồng minh trong chính liên minh bằng vũ lực với một loạt thông báo trên Twitter cách đây một vài tuần về những căng thẳng với Hy Lạp.

Nhà quan sát Ivo Daalder đã nhận định trên Politico rằng, không giống như các nước đồng minh khác, Thổ Nhĩ Kỳ không ngại sử dụng quyền phủ quyết hay chậm chí đứng một mình để đạt được những gì mình muốn.

Chẳng hạn, sau khi không hài lòng với những hành động quân sự của Israel nhằm vào một tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ để phá thế bao vây ở Dải Gaza, Ankara đã ngăn cản sự hợp tác của NATO với Israel trong nhiều năm. Khẳng định NATO cần cân nhắc mối đe dọa của người Kurd là mối đe dọa chung của toàn liên minh, Tổng thống Erdogan đã ngăn chặn sự thông qua các kế hoạch khẩn cấp của NATO nhằm bảo vệ Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Chỉ cách đây một vài tuần, Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa sử dụng quyền phủ quyết để cản trở Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Mặc dù vấn đề này đã được giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào tháng 6 nhưng quy trình kết nạp cuối cùng vẫn cần tất cả các nước thành viên liên minh thông qua. Vì thế, Ankara vẫn nắm giữ lá bài cuối cùng trong tay để quyết định liệu 2 nước Bắc Âu trên có thể gia nhập NATO hay không và điều đó sẽ diễn ra khi nào.

Không thể sống thiếu

Hiện nay, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine cũng như những động thái của nước này trong NATO, đã có một số ý kiến tranh luận về việc liệu có phải đây là thời điểm để tạm dừng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc loại Ankara khỏi liên minh hay không.

Dù vậy, có 2 vấn đề đối với đề xuất này, đó là vấn đề thực tế và vấn đề chiến lược.

Về bản chất, Thổ Nhĩ Kỳ không thể bị dừng tư cách thành viên hay bị loại khỏi NATO nếu không có sự nhất trí từ chính Ankara theo nguyên tắc đồng thuận của khối. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút khỏi NATO bất kỳ lúc nào thì liên minh này cần đạt được sự nhất trí nếu muốn loại một thành viên.

Bên cạnh đó, có một lý do chiến lược khiến phương Tây tiếp tục giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO và cố gắng sử dụng ngoại giao cũng như gây sức ép để buộc Ankara phải hợp tác: Đó là dù ở trong hay ngoài NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có một vị trí quan trọng về mặt chiến lược với liên minh này cũng như có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Đông và khu vực Kazkav mà không một đồng minh nào khác có thể thay thế. Trong những thời điểm nhất định, Ankara cũng đóng vai trò hữu ích trong việc đưa các bên đối lập ngồi lại với nhau, mà mới đây là thông qua mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cung có thể và đã đóng góp đáng kể vào khả năng phòng thủ chung của NATO.

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên mà NATO khó sống chung nhưng lại gần như không thể sống thiếu./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Australia bắt đầu tiêm vaccine đậu mùa khỉ vào tuần tới
Bang New South Wales, bang có nhiều người mắc bệnh đậu mùa khỉ nhất với 33 trường hợp trong tổng số 58 trường hợp mắc bệnh tại Australia sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho những người có nguy cơ mắc bệnh từ tuần tới để làm chậm lại quá trình lây lan của dịch.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thổ Nhĩ Kỳ - Thành viên NATO khó sống chung nhưng không thể sống thiếu