Theo dõi trên

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Cần sự chung tay từ nhiều phía

16/03/2022, 05:59

Nông sản đến kỳ thu hoạch khó tiêu thụ, ít người mua và giá bán thấp. Trong khi giá thành đầu vào như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang không ngừng tăng cao. Đó là một trong số những khó khăn lớn nhất hiện nay mà nông dân trong tỉnh đang trải qua. Hơn lúc nào hết, họ cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành để cùng hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, bằng nhiều cách khác nhau.

thuc-day.jpg
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh.

Không để nông dân… đơn lẻ

Vấn đề tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn đang là bài toán khó. Bởi chúng ta hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào sự đóng mở của các cửa khẩu khi xuất bằng đường tiểu ngạch.

Trước những rào cản đó, chuyến thực địa và làm việc của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với tỉnh Bình Thuận để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ vào dịp sau Tết Nguyên đán, dù đạt kết quả ít hay nhiều, vẫn thể hiện được sự quan tâm của người đứng đầu ngành nông nghiệp đối với nông dân Bình Thuận nói chung người trồng thanh long nói riêng. Chỉ ít ngày sau, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cũng mở một hội thảo để các doanh nghiệp, nông dân bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Dù chưa có giải pháp tối ưu, nhưng ít nhất nông dân và doanh nghiệp đã có cơ hội ngồi lại với nhau để chia sẻ những khó khăn của riêng mình. Bởi lẽ, lúc này đây nếu nông dân không có sự chung sức, đồng hành của nhiều cơ quan chức năng, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, chắc chắn họ sẽ bị “cô đơn” trước bão thị trường.

Ở bối cảnh khó khăn trên, trong tuần qua, UBND tỉnh cũng triển khai một số giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn Bình Thuận. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong đã nhắc đến vai trò chủ chốt và sự phối hợp chặt chẽ của Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng Sở Công Thương và các địa phương trong việc rà soát cụ thể quy mô, tình hình sản xuất, chế biến các loại nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình sản lượng, giá cả các loại nông sản theo từng thời điểm để có kế hoạch hỗ trợ kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Cung cấp kịp thời cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, khi tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã và đang xảy ra trong thời điểm hiện nay.

Tăng cường kết nối

Đặc biệt, khi thị trường truyền thống của thanh long Bình Thuận sang Trung Quốc bị tắc nghẽn, một trong những giải pháp khác được nhấn mạnh đến là việc tăng cường kết nối, đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản như: Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức online, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, nhất là thanh long. Trong đó, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản. Tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ bảo quản nông sản. Đối với Sở Công Thương, UBND tỉnh đề nghị ngành cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng đường biển, giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành, tập trung vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước. Song song, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Bình Thuận tại hội chợ thương mại quốc tế. Ngoài ra, khi các kênh quảng bá tiêu thụ sản phẩm của nông sản còn hạn chế, thì ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã đến lúc phải “xắn tay”, cùng góp sức kết hợp hoạt động quảng bá các sản phẩm nông sản đặc thù, chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh trong các hoạt động của văn hóa, thể thao, du lịch ngành. Bên cạnh đó, sự chung tay của Liên minh Hợp tác xã trong việc phối hợp hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có quy mô lớn, thế mạnh của tỉnh như lúa gạo, thanh long, cao su, mủ trôm, thủy sản các loại, các loại rau an toàn…

Chính sự chung tay từ nhiều phía, nhiều cơ quan ngay lúc này sẽ là động lực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản (nhất là thanh long), đồng hành với nông dân ngay lúc khó khăn này.

K.HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hành trình của an cư lạc nghiệp
Chính điều ấy đã quyết định đưa Bình Thuận, nơi vốn có nhiều tiềm năng trở nên đa sắc màu hơn dưới con mắt các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực. Mà phần lớn đầu tư làm gì cũng liên quan đến đất nên tất cả đã tương tác đẩy thị trường bất động sản thành nổi bật nhất.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Cần sự chung tay từ nhiều phía