Theo dõi trên

Giá thép “phi mã” vào cao điểm mùa xây dựng

16/03/2022, 05:47

Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 2, giá thép đã có sự thay đổi giá theo chiều tăng 4 lần. Chưa dừng lại ở đó, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3/2022, thép tiếp tục được điều chỉnh giá thêm 3 lần nữa, khiến người dân lẫn nhà thầu đều gặp khó khi vốn công trình bị đội cao chót vót.

thep.jpg
Giá thép liên tục điều chỉnh tăng những tháng đầu năm.

3 tháng - 7 lần điều chỉnh giá

Theo chủ các cơ sở kinh doanh thép trên địa bàn TP. Phan Thiết, trong năm 2021, giá thép đã trải qua nhiều đợt tăng và đạt đỉnh điểm vào tháng 5/2021 với mức giá gần 20 triệu đồng/tấn thép. Sau đó, với các giải pháp nỗ lực kéo giảm giá thép của các bộ, ngành, Chính phủ, giá thép đã có phần “hạ nhiệt”, tuy nhiên, chưa giảm được bao lâu thì giá thép đã quay trở lại đà tăng từ những ngày đầu năm mới.

Chủ đại lý thép Thống Nhất (TP. Phan Thiết) cho biết, Tháng 1/2022, giá thép tăng 2 lần, tháng 2 tiếp tục tăng 2 lần. Đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ 10 ngày mà giá “nhảy múa” 3 lần, nên giá thép hiện tại dao động từ 18 - 19 triệu đồng/tấn. So với đợt cuối năm 2021, giá thép hiện nay đã tăng khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Tuy giá thép tăng cao nhưng vào mùa xây dựng nên thị trường thép khá sôi động, khách hàng đặt cọc liên tục để có giá ổn định. Khảo sát một số đại lý cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn TP. Phan Thiết, các thương hiệu thép lớn như Hòa Phát, Việt NHật, Việt Đức, Việt Ý, Kyoei, Pomina... đều điều chỉnh giá bán. Cụ thể, thép cuộn CB240 của thương hiệu thép Kyoei tăng 1,2 triệu đồng/tấn, lên mức 18,2 triệu đồng/tấn; thép cây xây dựng loại D10 CB300 giá từ 17,46 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,78 triệu đồng/tấn. Tương tự, các dòng thép của Hòa Phát đều tăng khoảng 700.000 đồng/tấn so với giữa tháng 2.

Chị Nguyễn Thu Thanh (phường Phú Thủy) chia sẻ: “Từ đầu năm gia đình tôi có dự định xây nhà nên đã tham khảo giá vật liệu xây dựng. Trong tháng 2 mà đại lý thay đổi giá liên tục, đặc biệt giá sắt thép. Họ nói xăng lên, nên giá sẽ còn thay đổi theo chiều tăng. Tôi quyết định chuyển trước 50% tiền sắt thép với giá hơn 17 triệu đồng/tấn, nếu chần chừ thì phí xây nhà sẽ mất thêm vài chục triệu đồng”. Với giá xăng dầu đạt đỉnh điểm trong vòng 17 năm qua, chắc chắn các mặt hàng khác sẽ tăng theo.

Ngoài sắt thép tăng mạnh, giá cát xây tô cũng tăng từ 290.000 đồng/m3 lên 300.000 đồng/m3, cát bê tông vàng tăng lên 420.000 đồng/m3; xi măng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/bao 50 kg; gạch ống tăng khoảng 100 đồng/ viên… Giá các loại vật liệu xây dựng tăng “chóng mặt” thời điểm này khiến nhiều người dân đang thi công công trình chật vật vì chi phí xây dựng bị đẩy lên cao so với tính toán ban đầu.

Nhiều công trình sẽ chậm tiến độ

Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình đầu tư công, việc giá thép liên tục “nhảy vọt” đã đẩy các doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, thiệt hại không nhỏ, bởi nhiều công trình đấu thầu ở thời điểm giá thép thấp bị đội vốn. Đại diện một công ty xây lắp chuyên thi công các công trình nhà nước trong tỉnh cho biết, sau tết, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công nhằm phục hồi, thúc đẩy kinh tế làm nhu cầu sử dụng sắt thép xây dựng tăng đột biến. Tuy nhiên, có những công trình lúc đấu thầu ở thời điểm giá thép khoảng 16 triệu đồng/tấn, nay đã tăng hơn 2 triệu đồng/tấn, công ty bù lỗ khá nhiều. Một số gói thầu được điều chỉnh giá vật liệu khi giá thị trường biến động, nhưng giá sắt thép thay đổi từng ngày như hiện nay thì việc điều chỉnh chạy không kịp với thị trường. Do đó, nhiều công trình phải tạm dừng hoặc chậm tiến độ so với ban đầu”. Nếu trước đây, các nhà thầu mạnh dạn nhận hợp đồng trọn gói xây nhà “chìa khóa trao tay”, thì nay các nhà thầu không dám liều nữa bởi giá vật liệu tăng trong thời gian ngắn, không kịp trở tay. Anh Lê Hòa - một chủ thầu xây dựng cho hay, 2 năm nay các nhà thầu không dám ký hợp đồng trọn gói nữa, chỉ nhận làm công, vật tư gia chủ tự mua. Năm ngoái, thời điểm tháng 4 - 5 tôi cũng nhận xây 2 căn nhà, lúc đó giá sắt thép tăng gần 50%, giá vật liệu xây dựng cũng lên theo, tôi phải năn nỉ chủ nhà chia sẻ bớt, chứ không đủ tiền trả lương nhân công. Chưa hết, công thợ hồ cũng tăng, nếu năm ngoái chỉ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, giờ phải 450.000 - 500.000 đồng/ ngày nên chi phí đội lên rất cao”.

Theo dự báo, giá xăng chưa có dấu hiệu chững lại, nên giá sắt thép có khả năng tiếp tục leo cao, với tình hình này, bên thi công tiếp tục làm sẽ bị lỗ, không làm thì bị phạt vi phạm hợp đồng. Mới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến. Theo đó, nhiều công trình sẽ chậm tiến độ, thậm chí dừng hẳn chờ giá hạ nhiệt là điều khó tránh khỏi.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xăng dầu tăng kỷ lục: Áp lực nhiều ngành nghề
Trước Tết Nguyên đán 2022, xăng dầu tăng đã đẩy cước phí vận tải, nguyên phụ liệu, hàng hóa đầu vào tăng theo, khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng điêu đứng. Đến chiều 11/3, xăng dầu lại lập kỷ lục mới, gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, khiến nhiều doanh nghiệp “ngấm đòn”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thép “phi mã” vào cao điểm mùa xây dựng