Theo dõi trên

Thực hiện chính sách việc làm tạo thu nhập cho người dân

13/01/2024, 09:04

Thời gian qua, các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Những năm trước do tác động của giãn cách bởi dịch Covid - 19 và đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào nên nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực bị thu hẹp hoặc phá sản dẫn đến cắt giảm việc làm dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Từ năm 2023 đến nay, nhiều thị trường mới được mở rộng, chất lượng lao động được nâng cao, hoạt động của các doanh nghiệp đã ổn định góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Để phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, trong thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô để tạo việc làm. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác. Nhờ thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế nông thôn, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh, những năm qua tỉnh đã chú trọng triển khai công tác này, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, tỉnh Bình Thuận đã chủ động, tích cực xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó đã mang lại những kết quả nhất định. Bên cạnh kết quả đạt được từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, tỉnh cũng có nhiều chính sách hướng về người học và đội ngũ giáo viên, giảng viên nhằm thu hút, tạo động lực đối với người tham gia. Ngoài ra, lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề còn được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. Đối với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thời gian qua đã tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, phát triển mạng thông tin về việc làm nhằm hỗ trợ các hoạt động thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu tìm kiếm việc, việc tìm người trên trang Website http://vieclambinhthuan.com.vn. Qua đó đã giúp cho người lao động có nhu cầu tìm việc dễ dàng tiếp cận các thông tin việc làm, đáp ứng phần nào nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, năm 2023 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó vay vốn giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động. Để triển khai thực hiện tốt hơn công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có uy tín, có đơn hàng tốt được tuyển dụng lao động tại địa phương. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện đầy đủ, kịp thời đúng quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh, tăng cường tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Đẩy mạnh tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Tập trung triển khai tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa học nghề. Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu thực hiện cơ cấu tỷ lệ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông nghiệp thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng thời tập trung vào một số mô hình điểm về đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả để nhân rộng. Ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Uớc đến năm 2030 đào tạo nghề nông nghiệp cho cho động nông thôn là: 20.360 chỉ tiêu.

Qua kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn kết giữa đào tạo với sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
UBND tỉnh Bình Thuận ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
BTO- Sáng 12/1, tại UBND tỉnh đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện chính sách việc làm tạo thu nhập cho người dân