Theo dõi trên

Tiềm năng hợp tác phát triển giữa Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh

17/04/2023, 08:23

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh sẽ hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ vừa được tổ chức vào giữa tháng 4/2023 (tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã mở ra cơ hội hợp tác phát triển mới cho Bình Thuận. Bởi đây là địa phương có vị trí “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây nguyên - Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên rất thuận lợi để giao thương, kết nối phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt với TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu trên hầu hết các lĩnh vực, địa bàn tập trung nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa có quy mô lớn và giữ vị trí cửa ngõ kết nối giao thương quan trọng với khu vực lẫn thế giới…

z4265954898373_c73674eae8d6dc00c56075278f91b1a8.jpg
z4265954905319_1a6fd193f4d89503fd6189b4f7554250.jpg
Bình Thuận có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực (Ảnh minh họa).

Trong giai đoạn 2013 - 2022, nhiều hoạt động hợp tác kết nối giao thương tiêu biểu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ được triển khai mang lại kết quả tích cực. Riêng với Bình Thuận đã hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm lợi thế của tỉnh (như thanh long, nước mắm, thủy sản, nước khoáng, mủ trôm) và từng bước mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay có khoảng 56 doanh nghiệp tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa và gần 50 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm tại thị trường lớn nhất cả nước.

Ở chiều ngược lại, Bình Thuận cũng ghi nhận không ít doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh xúc tiến đầu tư tại tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, như trên lĩnh vực thương mại có Công ty cổ phần Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh đầu tư Nhà sách Fahasa Bình Thuận. Với Liên hiệp HTX Thương mại thành phố đã đầu tư 3 siêu thị Co.opmart và 3 cửa hàng Co.op Food, một số thương hiệu nổi tiếng còn đầu tư hơn 40 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 34 siêu thị Điện Máy Xanh cùng chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, 1 trung tâm thương mại Lotte. Đối với lĩnh vực công nghiệp có dự án đầu tư hạ tầng KCN Hàm Kiệm I (của Công ty cổ phần TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân), dự án đầu tư hạ tầng KCN Hàm Kiệm II (của Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân), dự án đầu tư Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (của Công ty TNHH Sao Tháng Bảy Việt Nam). Ngoài ra trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận còn hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực khác như về du lịch, nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế...

Trong giai đoạn mới 2023 - 2025, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ (Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi). Tuy nhiên khác với trước đây, lần này các địa phương ký kết hợp tác chung cả vùng và hợp tác riêng ở một số lĩnh vực nhằm tránh cạnh tranh lẫn nhau làm mất động lực phát triển chung. Theo đó đặt trọng tâm hợp tác chung ở 5 lĩnh vực gồm: Phát triển du lịch; Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển nông nghiệp; Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

Còn trong hợp tác song phương theo đặc thù với từng địa phương, tới đây TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận sẽ đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ phóng viên du lịch giữa 2 tỉnh, thành. Tiếp tục vận động, kêu gọi doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đầu tư dự án thứ cấp vào các khu - cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên đối với dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời hỗ trợ thu hút, chuyển dịch đầu tư về Bình Thuận, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, dự án sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, chế biến sâu khoáng sản titan…

Với lĩnh vực giáo dục thì thu hút các nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, thành lập trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Bình Thuận, phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh lớp 12… Về lĩnh vực y tế sẽ liên kết Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tìm kiếm tổ chức có đủ năng lực hợp tác với các cơ sở khám chữa bệnh và đầu tư thiết bị kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh tại Bình Thuận. Đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao tay nghề, kinh nghiệm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và Trung tâm Mắt Bình Thuận…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
Tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiềm năng hợp tác phát triển giữa Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh